TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Lấy tuỷ răng có gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ không?

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 3,697
Phương pháp lấy tủy răng thường được chỉ định thực hiện trong những trường hợp răng bị sâu nặng hoặc viêm tủy. Vậy lấy tủy răng có sao không, có gây ảnh hưởng đến sức khoẻ không?

Tủy răng được cấu tạo với 2 phần là buồng tủy và ống tủy, đây là nơi chứa các mạch máu nuôi dưỡng răng và dây thần kinh truyền cảm giác từ bên ngoài khi kích thích đến răng. Tủy răng thường nằm sâu bên trong ngà răng nhưng thông với cơ thể bằng những lỗ nhỏ ở chân răng.

Vì sao cần thực hiện phương pháp lấy tuỷ răng?

Lấy tủy răng là phương pháp nha khoa điều trị loại bỏ tủy răng đã bị nhiễm khuẩn. Tủy răng nằm sâu bên trong răng và ở phía dưới chân răng. Bằng cách lấy đi tủy răng đã chết và làm sạch răng, khử trùng, đây là phương pháp ngăn ngừa tủy nhiễm trùng ảnh hưởng đến răng và giúp giữ lại răng.

Tủy răng bị nhiễm trùng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây đau nhức răng kéo dài, gây viêm chóp răng nặng, thậm chí gây hoại tử tủy và nghiêm trọng hơn có thể gây ảnh hưởng đến cả hàm răng cũng như các cơ quan khác.

Khi nào cần điều trị lấy tuỷ răng?

Phương pháp lấy tủy răng thường được chỉ định trong một số trường hợp cần được điều trị sau:

  • Sâu răng nghiêm trọng, sâu xuống đến chân răng, gây đau nhức răng kéo dài và đau âm ỉ.
  • Răng bị sứt mẻ, vỡ miếng lớn, tủy răng lộ ra hoặc xương răng bị viêm nhiễm.
  • Ê buốt răng khi ăn nhai thức ăn nóng hoặc lạnh.
  • Khi tủy răng bị chết gây cảm giác đau nhức lan vào xương, thậm chí có thể lên đến vùng thái dương, não.
  • Xuất hiện mụn nhọt ở vùng nướu và mủ trắng ở phía chân răng gây hôi miệng và thường xuyên tái phát.
  • Sưng, đau hoặc thâm nướu.
  • Bị chấn thương khiến răng bị mẻ, vỡ, lộ tủy răng.

Răng bị ê buốt khi ăn thức ăn lạnh

Lấy tủy răng có gây ảnh hưởng gì không?

Hiện nay, cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, các phương pháp điều trị nha khoa càng trở nên hiện đại hơn, hỗ trợ quá trình lấy tủy răng được diễn ra nhẹ nhàng, suôn sẻ và không gây đau nhức. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể gây ra một số ảnh hưởng như sau:

  • Răng yếu và dễ sứt mẻ hơn: Về mặt cấu trúc, răng sau khi tiến hành lấy tủy sẽ yếu hơn vì đã bị ngắt sự kết nối với các mạch máu nuôi răng, khiến răng giòn hơn và dễ bị vỡ, mẻ. Để bảo vệ răng sau khi lấy tủy, giải pháp thường được lựa chọn là bọc sứ răng.
  • Răng bị xỉn màu: Sau quá trình điều trị lấy tủy, răng sẽ trở nên xỉn màu hơn so với những chiếc răng còn lại vì đã mất đi sự nuôi dưỡng từ mạch máu. Do đó, bọc răng sứ vừa giúp bảo vệ răng khỏi tình trạng mẻ, nứt, vừa giúp che giấu răng bị xỉn màu.
  • Tác động đến xoang mũi: Với những trường hợp cần điều trị lấy tủy răng ở các răng ở hàm trên gần với xoang mũi, việc lấy tủy có thể gây ảnh hưởng đến xoang mũi. Khí từ dụng cụ nha khoa có thể thẩm thấu vào xoang mũi khiến khách hàng thấy khó chịu trong mũi, tắc mũi hoặc đau đầu. Tuy nhiên, đây là tình trạng rất hiếm gặp và sẽ biến mất trong khoảng 1 - 2 tuần sau điều trị lấy tủy.
  • Giảm tuổi thọ của răng: Răng sau khi điều trị tủy sẽ trở nên yếu hơn, tuổi thọ của răng vì vậy cũng sẽ giảm. Do đó, bạn cần chăm sóc răng miệng đúng cách để bảo vệ răng.
  • Đau răng, viêm tủy răng: Nếu sau khi điều trị bằng phương pháp lấy tủy răng mà khách hàng vẫn còn thấy đau răng, thậm chí còn gây viêm tủy, xuất hiện ủ mủ bên trong xương hàm thì có thể là do quá trình điều trị tủy không được đảm bảo yếu tố vệ sinh, chưa lấy hết tủy và ống tủy chưa được làm sạch triệt để. Đau nhức răng sau khi điều trị tủy cũng có thể do quá trình lấy tủy răng làm thủng sàn tủy hoặc chóp tủy, hoặc trám bít ống tủy không cẩn thận. Khi đó, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được chữa trị kịp thời.

Bài viết hữu ích: Chữa tủy răng là gì? Khi nào cần chữa tủy răng? 

Làm cách nào để hạn chế những ảnh hưởng sau khi lấy tủy răng?

Để hạn chế những ảnh hưởng của phương pháp điều trị tủy răng, bạn nên tuân theo hướng dẫn chăm sóc răng miệng của bác sĩ và lưu ý những điều sau:

  • Sau khi điều trị lấy tủy, bạn có thể chườm lạnh bên ngoài má để làm giảm cơn đau.
  • Hàng ngày, khách hàng nên pha muối với nước ấm để súc miệng nhằm hạn chế vi khuẩn gây bệnh răng miệng.

Nên súc miệng với nước muối mỗi ngày để hạn chế vi khuẩn gây các bệnh lý về răng miệng

  • Chải răng đúng cách ít nhất 2 lần/ngày, tránh dùng tăm để lấy thức ăn giắt lại ở răng, thay vào đó nên sử dụng chỉ tơ nha khoa để làm sạch các kẽ răng.
  • Thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ nha khoa và định kỳ ít nhất 6 tháng/lần.
  • Nếu cảm thấy ê buốt, đau nhức răng sau khi điều trị tủy răng, bạn nên thăm khám nha khoa càng sớm càng tốt.
  • Tránh ăn đồ ăn dai, cứng, thức ăn quá nóng hoặc lạnh.
  • Hạn chế đồ ăn ngọt, chứa nhiều đường, nhiều tinh bột và chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, ...

Hiện nay, phương pháp lấy tủy răng là kỹ thuật điều trị nha khoa rất phổ biến, sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại, giúp giữ lại răng bị viêm tủy, hạn chế những cơn đau răng âm ỉ và kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.