TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Những điều cần biết về Implant cá nhân hóa

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 1,705
Implant cá nhân hóa đã xuất hiện từ những năm 1940, nhưng do quá trình thiết kế và chế tác phức tạp nên chưa được ứng dụng rộng rãi trong nha khoa. Hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của nha khoa kỹ thuật số, Implant cá nhân hóa đã có thể đạt được độ chính xác cao, mang lại thẩm mỹ và chức năng hoàn hảo cho những trường hợp thiếu xương phức tạp mà các phương pháp Implant truyền thống không thực hiện được.

Implant cá nhân hóa hay còn được gọi là Implant dưới màng xương, lần đầu tiên được giới thiệu vào đầu những năm 1940 tại Thụy Điển để điều trị tình trạng tiêu xương hàm nghiêm trọng ở bệnh nhân mất răng toàn hàm trên hoặc hàm dưới. Tuy nhiên, với tỷ lệ biến chứng cao và kết quả thành công không như mong đợi, Implant dưới màng xương đã không còn được sử dụng và dần bị thay thế bởi Implant xương gò má.

Thế nhưng, trong hai thập kỷ qua, công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi đáng kể ngành Implant nha khoa. Cùng với quan điểm điều trị không ghép xương hiện nay, việc sử dụng công nghệ chẩn đoán hình ảnh hiện đại, công nghệ kỹ thuật số, phần mềm thiết kế và công nghệ in kim loại đã cho phép chế tạo các thanh titan tùy chỉnh, hoàn toàn phù hợp với cấu trúc giải phẫu đặc thù của mỗi bệnh nhân.

Kỹ thuật cấy ghép Implant cá nhân hóa hiện nay đã có thể đạt được độ chính xác cao, mang lại hiệu quả thẩm mỹ và chức năng cho những bệnh nhân tiêu xương hàm vô cùng nghiêm trọng mà các kỹ thuật như cấy ghép Implant xương gò má, dời thần kinh,… không thể thực hiện được.

Implant cá nhân hóa là gì?

Implant cá nhân hóa hay còn gọi là Implant dưới màng xương (Subperiosteal Implant). Sở dĩ gọi là Implant cá nhân hóa là bởi Implant này được thiết kế và chế tạo riêng theo tình trạng xương còn lại của mỗi bệnh nhân.

Không giống như kỹ thuật cấy ghép Implant thông thường được đặt trực tiếp vào xương hàm, Implant cá nhân hóa đặt giữa xương hàm và nướu nhưng bên dưới màng xương.

Implant cá nhân hóa gồm 2 phần: phần nằm trên xương và phần thông với môi trường miệng.

  • Phần nằm trên xương: Được cố định bởi vis. Vị trí vis được đặt tối ưu hóa theo vị trí xương.
  • Phần thông với môi trường miệng: phần này có vị trí các kết nối phục hình tối ưu hóa theo chức năng và thẩm mỹ của bộ răng sau cùng.

Cấu tạo của Implant cá nhân hóa - Subperiosteal Implant

Implant cá nhân hóa được áp dụng trong những trường hợp nào?

Khả năng ứng dụng của Implant cá nhân hóa rất rộng và rất đặc thù cho những trường hợp “ngàn cân treo sợi tóc”, trong đó có thể kể đến những trường hợp như:

  • Bệnh nhân bị hoại tử xương hàm.
  • Bệnh nhân không răng bẩm sinh.
  • Bệnh nhân bị tiêu xương hàm nghiêm trọng.
  • Bệnh nhân bị ung thư vùng hàm mặt phải cắt đoạn xương hàm trên.
  • Bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh nền, không thể thực hiện ghép xương.
  • Bệnh nhân đã từng cấy ghép Implant thông thường nhưng thất bại.

Implant cá nhân hóa áp dụng trong những trường hợp không răng bẩm sinh

Ưu điểm khi cấy ghép Implant cá nhân hóa

Implant cá nhân hóa mang lại nhiều ưu điểm vượt trội, làm cho phương pháp này trở thành lựa chọn hiệu quả đối với những trường hợp phức tạp.

Độ chính xác cao

Implant cá nhân hóa được thiết kế và chế tạo bằng kỹ thuật số, dựa trên mô hình 3D của cấu trúc xương còn lại của bệnh nhân, giúp đạt được vị trí tối ưu hóa về giải phẫu, chức năng và thẩm mỹ, đảm bảo độ chính xác cao.

Đảm bảo an toàn

Cấy ghép Implant cá nhân hóa yêu cầu sự hỗ trợ của hệ thống kỹ thuật số và sử dụng vật liệu titan chất lượng cao. Điều này đảm bảo sự vững chắc của hàm và tăng tỷ lệ thành công lên đến 97-98%, đồng thời đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Hạn chế cảm giác đau nhức

Quá trình cấy ghép Implant cá nhân hóa ít xâm lấn hơn, giúp giảm cảm giác đau nhức, sưng tấy và thời gian hồi phục nhanh chóng hơn so với các phương pháp truyền thống.

Implant dưới màng xương – Implant cá nhân hóa cho từng bệnh nhân

Đơn giản hóa quy trình điều trị

Implant cá nhân hóa không cần phải thực hiện ghép xương trước khi cấy ghép, đơn giản hóa quy trình điều trị, đặc biệt đối với những trường hợp mất xương hay tiêu xương nghiêm trọng.

Áp dụng cho những trường hợp tiêu xương phức tạp

Implant cá nhân hóa được ưu tiên áp dụng trong những trường hợp tiêu xương phức tạp, đặc biệt là khi đối mặt với những thách thức như bệnh nhân không răng bẩm sinh, có xương và nướu vô cùng mỏng. Điều này làm tăng khả năng thành công và giảm nguy cơ thất bại trong quá trình điều trị.

Quy trình thực hiện cấy ghép Implant cá nhân hóa

Quy trình cấy ghép Implant cá nhân hóa đòi hỏi sự chính xác và tỉ mỉ từ giai đoạn thiết kế, chế tạo Implant đến quá trình cấy ghép và phục hình. Dưới đây là mô tả chi tiết của quy trình này:

Thu thập dữ liệu của bệnh nhân

Bác sĩ sử dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống lấy dấu mô trong miệng, công nghệ CT Cone Beam 3D, Oral Scanner, công nghệ quét mặt 3 chiều,… nhằm thu thập dữ liệu của bệnh nhân.

Chụp phim CT Cone Beam 3D khảo sát tình trạng xương hàm của bệnh nhân

Thiết kế kỹ thuật số

Bác sĩ gửi thông tin dữ liệu của bệnh nhân đi nước ngoài để tiến hành thiết kế và chế tạo Implant cá nhân hóa. Quá trình này yêu cầu sự trao đổi chặt chẽ giữa Bác sĩ và kỹ thuật viên để đảm bảo độ chính xác và đáp ứng đúng yêu cầu của bệnh nhân.

Phẫu thuật cấy ghép Implant

Bác sĩ thực hiện cấy ghép cá nhân hóa dưới sự hỗ trợ của công nghệ định vị cấy ghép Implant. Công nghệ này giúp tăng cao độ chính xác khi cấy ghép, tránh được các biến chứng đáng tiếc và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân.

Ngoài ra, quá trình cấy ghép Implant cá nhân hóa còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa nhiều yếu tố như kinh nghiệm của phẫu thuật viên và phụ tá, đội ngũ chuyên gia am hiểu tường tận về kỹ thuật số,…

Phẫu thuật cấy ghép Implant bằng công nghệ định vị

Phục hình trên Implant

Sau khi Implant tích hợp với xương, Bác sĩ gắn răng sứ lên trên Implant, hoàn tất quá trình cấy ghép. Giai đoạn phục hình không chỉ chú trọng vào yếu tố thẩm mỹ mà còn đảm bảo khả năng ăn nhai tốt như răng thật cho bệnh nhân.

Cấy ghép Implant cá nhân hóa bằng công nghệ định vị

Quá trình cấy ghép Implant cá nhân hóa cần có sự hỗ trợ của rất nhiều công nghệ hiện đại, trong đó nổi bật với công nghệ định vị cấy ghép Implant.

Công nghệ định vị cấy ghép Implant

Đặc điểm nổi bật của công nghệ định vị đó là hệ thống camera kép được tích hợp với công nghệ CT Cone Beam 3D, cho phép Bác sĩ nhìn thấy được cấu trúc giải phẫu của bệnh nhân trên màn hình máy tính một cách trực quan.

Công nghệ định vị giống như một người dẫn đường, không chỉ hiển thị chính xác vị trí của mũi khoan, điều hướng và hướng dẫn từng chặng, mà còn phát tín hiệu cảnh báo nếu mũi khoan lệch hướng hay quá gần dây thần kinh.

Việc ứng dụng công nghệ định vị trong các trường hợp khó phải áp dụng Implant cá nhân hóa sẽ nâng cao tỷ lệ thành công của ca phẫu thuật, đảm bảo độ chính xác cao, ngăn chặn những tổn thương đến dây thần kinh, xoang hàm, mạch máu,…

So sánh kỹ thuật cấy ghép Implant cá nhân hóa và Implant thông thường

Kỹ thuật cấy ghép Implant thông thường đã trở nên rất phổ biến trong những năm gần đây. Tuy nhiên, với Implant cá nhân hóa thì không phải ai cũng hiểu rõ. Implant cá nhân hóa có những điểm vô cùng đặc biệt:

Về cấu trúc

Implant thông thường bao gồm 3 bộ phận chính: trụ Implant, khớp kết nối Abutment và răng sứ trên Implant.

Trong khi đó, Implant cá nhân hóa lại bao gồm 2 phần: phần nằm trên xương được cố định bởi vis và được đặt theo vị trí xương, phần thông với môi trường miệng có vị trí các kết nối phục hình.

Về kỹ thuật thực hiện

Implant thông thường có xu hướng xâm lấn hơn một chút so với Implant cá nhân hóa. Bởi chúng được đặt vào trong xương chứ không phải phía trên xương.

Trong một số trường hợp, các thủ thuật bổ sung như ghép xương hoặc nâng xoang cũng phải được thực hiện để đảm bảo có đủ khối lượng xương để hỗ quá trình cấy ghép đạt kết quả thành công như mong đợi.

Để đặt Implant cá nhân hóa, Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ ở nướu. Sau đó khoan bên dưới mô nướu để đặt khung kim loại. Sau khi khung kim loại đã được đặt trên xương, nướu sẽ được khâu lại và chờ lành. Sau khi nướu đã lành, trụ sẽ được lắp vào khung và dùng để đỡ răng giả.

Về chỉ định

Cấy ghép Implant thông thường được chỉ định cho tất cả các trường hợp mất răng, từ mất một răng đến mất nhiều răng, hay mất răng toàn hàm. Miễn là bệnh nhân đáp ứng đủ điều kiện về xương hàm.

Còn Implant cá nhân hóa thường được chỉ định trong những trường hợp bệnh nhân bị không răng bẩm sinh, nướu và xương hàm cực kỳ mỏng, không thể cấy ghép Implant thông thường.

Implant cá nhân hóa và Implant thông thường có những khác biệt nhất định

Nên cấy ghép Implant cá nhân hóa hay Implant truyền thống?

Khi cân nhắc nên chọn cấy ghép Implant cá nhân hóa hay Implant thông thường, điều quan trọng là phải đến gặp Bác sĩ chuyên khoa để xác định loại cấy ghép nào phù hợp với tình trạng của bạn.

Nhìn chung, kỹ thuật cấy ghép Implant thông thường vẫn sẽ được ưu tiên hơn khi bệnh nhân đáp ứng đủ điều kiện. Trong các trường hợp xương hàm không đủ tiêu chuẩn thì Bác sĩ sẽ chỉ định một số thủ thuật bổ sung như nâng xoang, ghép xương trước khi cấy ghép. Điều này là bởi kỹ thuật này có tỷ lệ thành công cao hơn so với cấy ghép Implant cá nhân hóa.

Ngoài ra, Bác sĩ nha khoa cũng có thể đề xuất cấy ghép Implant xương gò má nếu xương hàm trên bị tiêu biến nhiều.

Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh nhân bị tiêu xương cực kỳ nghiêm trọng, nướu vô cùng mỏng, không thể phục hình bằng kỹ thuật Implant truyền thống hay Implant xương gò má, thì cấy ghép Implant cá nhân hóa là một lựa chọn hoàn hảo.

Hướng dẫn chăm sóc sau phẫu thuật cấy Implant cá nhân hóa

Để quá trình cấy ghép Implant cá nhân hóa đạt kết quả như mong đợi, bạn cần tuân thủ theo những hướng dẫn của Bác sĩ.

  • Tuân thủ chỉ định về việc sử dụng thuốc giảm đau và kháng sinh mà Bác sĩ kê đơn.
  • Chườm lạnh lên vùng má bên ngoài khu vực phẫu thuật sẽ giúp giảm sưng, đau hiệu quả. Ngày hôm sau chuyển sang chườm ấm để làm tan máu tụ.
  • Ngừng hút thuốc ít nhất 2-4 tuần trước và sau phẫu thuật, vì thuốc lá có thể tăng nguy cơ thất bại của quá trình phục hình.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi và tránh hoạt động thể lực mạnh trong vài ngày đầu sau phẫu thuật để hỗ trợ quá trình lành thương.

Cần tuân thủ những chỉ định của Bác sĩ sau khi cấy ghép Implant

  • Ăn những thức ăn mềm, lỏng trong những ngày đầu để tránh làm tổn thương khu vực phẫu thuật. Đồng thời tránh thức ăn cứng, nhiều dầu mỡ, hoặc giòn để tránh gây áp lực lên Implant.
  • Vệ sinh răng miệng đều đặn bằng bàn chải lông mềm để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn và nguy cơ nhiễm trùng. Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn có thể giúp duy trì khoang miệng sạch sẽ.
  • Tuân thủ các cuộc kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của Bác sĩ để đảm bảo kết quả phục hình và lành thương diễn ra đúng cách.
  • Liên hệ với Bác sĩ nếu có bất kỳ vấn đề hay biểu hiện bất thường nào, như chảy máu, sưng đau nhiều và không có dấu hiệu thuyên giảm, hoặc xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng.

Cấy ghép Implant cá nhân hóa giá bao nhiêu?

Cấy ghép Implant cá nhân hóa giá bao nhiêu cũng là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Trên thực tế, không có một con số chung để giải đáp cụ thể giá Implant cá nhân hóa. Bởi mức chi phí này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như: mức độ phức tạp của ca cấy ghép, loại vật liệu được sử dụng để chế tác nên trụ Implant và răng trên Implant,…

Chi phí cấy ghép Implant cá nhân hóa sẽ cao hơn với kỹ thuật cấy ghép thông thường. Bởi quá trình thiết kế và chế tác Implant cá nhân hóa vô cùng phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, Bác sĩ thực hiện phải là người có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện chưa sản xuất được loại Implant này. Để chế tác, Bác sĩ cần phải trao đổi trực tiếp và chặt chẽ với kỹ thuật viên tại Mỹ. Có như vậy mới chế tạo ra Implant có độ chính xác tuyệt đối, đảm bảo sự thành công cho ca phẫu thuật.

Những câu hỏi thường gặp về Implant cá nhân hóa

Cấy ghép Implant cá nhân hóa có đau không?

Cấy ghép Implant cá nhân hóa có đau không là thắc mắc điển hình của rất nhiều khách hàng. Để thực hiện kỹ thuật này, bệnh nhân thường sẽ được chỉ định gây mê, nên bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau hay gặp bất kỳ sự khó chịu nào.

Sau cấy ghép, mọi cảm giác đau đều có thể được kiểm soát bằng các biện pháp giảm đau theo hướng dẫn của Bác sĩ.

Cấy ghép Implant cá nhân hóa mất bao lâu?

Thời gian cấy ghép Implant cá nhân hóa sẽ khác nhau ở mỗi người vì còn phụ thuộc vào mức độ phức tạp của mỗi trường hợp.

Tuy nhiên, vì Implant được chế tác riêng cho từng bệnh nhân nên tốn nhiều thời gian hơn ở khâu thiết kế và chế tác Implant.

Để thực hiện, trước tiên Bác sĩ sẽ sử dụng các công nghệ hiện đại như CT Cone Beam, Oral Scanner, quét mặt 3 chiều,… để thu thập dữ liệu của bệnh nhân. Sau đó sẽ gửi ra nước ngoài để thiết kế, chế tạo Implant rồi mới gửi về Việt Nam để thực hiện phẫu thuật.

Tổng cộng quá trình này mất khoảng 30 – 40 ngày. Trong thời gian đó, Bác sĩ và kỹ thuật viên cũng cần có sự trao đổi với nhau để đi đến kết quả cuối cùng.

Cấy ghép Implant cá nhân hóa trông có tự nhiên không?

Câu trả lời là có. Implant cá nhân hóa sẽ được tùy chỉnh để phù hợp với với răng tự nhiên của bệnh nhân, đảm bảo mang đến vẻ ngoài giống như thật.

Tỷ lệ thành công của ca cấy ghép Implant cá nhân hóa là bao nhiêu?

Trước đây khi mới xuất hiện, tỷ lệ thành công của Implant cá nhân hóa rất thấp, chỉ từ 30 – 40%. Tuy nhiên hiện nay, với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số, tiến trình chế tác Implant riêng cho bệnh nhân không chỉ đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây, vật liệu cũng được xử lý rất tốt nên đưa tỷ lệ thành công lên đến 97 – 98%.

Implant cá nhân hóa có tỷ lệ thành công cao

Mặc dù kỹ thuật cấy ghép Implant cá nhân hóa mới được áp dụng thành công tại Việt Nam nhưng hy vọng rằng, kỹ thuật này sẽ phát triển và trở thành một giải pháp lý tưởng cho những trường hợp mất răng và thiếu răng, gây ra tình trạng tiêu xương nghiêm trọng trong tương lai.