Răng khôn thường mọc và phát triển vào lúc chúng không còn đủ “chỗ ở” trên cung hàm để mọc theo hướng bình thường. Do đó, chúng phải tìm hướng mọc khác biệt so với những chiếc răng khác.
Những chiếc răng khôn thường mọc ngược, mọc ngầm, mọc nghiêng, mọc kẹt do không có không gian để “cư ngụ” trên cung hàm. Chúng có thể mọc ngược về phía xương hàm, đâm thẳng về phía răng hàm lớn thứ hai hoặc có thể mọc bình thường, nhú được lên khỏi nướu được một phần thì tắc và ngừng mọc vĩnh viễn gây ra nhiều vấn đề khác nhau cho sức khoẻ răng miệng.
Mục lục nội dung
Răng khôn là răng nào?
Răng khôn (răng số 8, răng hàm/cối lớn thứ 3) là răng mọc cuối cùng của hàm, thường mọc ở người trong độ tuổi 18 - 25. Răng khôn gây nhiều tranh cãi khác nhau do chức năng không rõ ràng mà gây ra nhiều phiền toái.
Đặc điểm: vì mọc trễ nhất trên cung hàm nên khoảng thời gian này, xương hàm ít tăng trưởng về kích thước, chất lượng xương cứng hơn và niêm mạc, mô mềm phủ trên đã dày chắc nên việc răng khôn mọc lệch, mọc ngầm dễ xảy ra.
Răng khôn khi mọc lệch, mọc ngầm sẽ gây nhồi nhét thức ăn, khiến việc vệ sinh răng miệng gặp nhiều khó khăn, từ đó gây các biến chứng (sưng đau, hạn chế há miệng, nhiễm trùng,...) và các răng này cũng ít khi tham gia vào chức năng ăn nhai.
Do đó, việc can thiệp kịp thời có ý nghĩa quan trọng. Và chỉ định thường gặp là nhổ bỏ răng khôn.
Một người có tổng cộng bao nhiêu răng khôn?
Thực tế, mỗi người có đến 32 chiếc răng vì thêm 4 răng khôn, 2 cái ở hàm trên và 2 cái ở hàm dưới, chúng sẽ mọc cuối cùng, sau 28 chiếc răng. Vấn đề xảy ra khi răng khôn mọc là không còn đủ chỗ trên xương hàm để có thể mọc thẳng bình thường, nên thường sẽ mọc theo hướng khác.
Răng khôn có thể mọc ngược về phía xương hàm, đâm thẳng về phía răng số 7 bên cạnh hoặc có thể mọc bình thường, nhú lên khỏi nướu được một phần thì bị tắc và ngừng mọc vĩnh viễn.
Mỗi người có đến 4 chiếc răng khôn
Biến chứng do răng khôn gây ra
Răng khôn khi mọc lệch, mọc ngầm, mọc kẹt,... có thể gây nên những biến chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ của khách hàng.
Sâu răng
Do răng khôn nằm ở trong cùng hàm nên việc vệ sinh thức ăn rất khó. Vì vậy, vi khuẩn sẽ dễ dàng tích tụ lại. Vấn đề đặc biệt khó hơn khi răng khôn chỉ mọc lên một phần hoặc mặc lệch, đâm sang răng bên cạnh. Việc tích tụ lâu ngày này sẽ gây sâu răng, gây cảm giác đau nhức và nhiễm trùng.
Viêm nướu
Việc tích tụ thức ăn và vi khuẩn ở răng khôn sẽ gây ra viêm nhiễm vùng nướu xung quanh. Việc này dẫn đến triệu chứng: sưng đau, sốt, hôi miệng hoặc đôi khi làm cứng hàm, khiến bạn không thể mở miệng to. Viêm nướu sẽ tái phát nhiều lần cho đến khi răng khôn được chữa trị, càng ở những lần tái phát sau thì mức độ nguy hiểm lại càng cao hơn.
Thức ăn tích tụ ở răng khôn lâu ngày có thể gây viêm nướu
Gây tiêu xương hàm, huỷ hoại hàm răng
Khi răng khôn mọc lệch sẽ đâm sang răng bên cạnh, điều này khiến răng bị tiêu huỷ, lung lay tiêu xương và cuối cùng là phải nhổ bỏ. Triệu chứng dễ phát hiện nhất là những cơn đau âm ỉ kéo dài tại khu vực đó.
Trong một số trường hợp, nếu những bất thường của răng không chưa có sự chữa trị kịp thời, nhiễm trùng sẽ lây lan sang những khu vực khác như mang tai, mắt, má, cổ,... và có thể gây nguy hiểm cho tính mạng.
Xem thêm: Có nên nhổ 2 răng khôn cùng lúc không?
Có nên nhổ răng khôn hay không?
Nhiều người phân vân giữa việc nhổ răng khôn hay giữ chúng tại, bác sĩ khuyên nhổ bỏ răng khôn với trường hợp:
- Răng khôn mọc lệch gây đau, nhiễm trùng lặp lại, gây u nang và ảnh hưởng đến các răng lân cận.
- Răng khôn chưa gây biến chứng nhưng có khe giắt giữa răng khôn với răng bên cạnh. Trong tương lai có thể sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì nên nhổ bỏ để ngừa biến chứng.
- Răng khôn mọc thẳng và đủ chỗ, không bị cản trở bởi nướu hay xương nhưng không có răng đối diện ăn khớp. Điều này khiến răng khôn trồi dài đến hàm đối diện, gây nhồi nhét thức ăn và lở loét nướu ở hàm đối diện.
- Răng khôn mọc thẳng và đủ chỗ, không bị cản trở nhưng hình dạng nhỏ, bất thường, dị dạng cũng sẽ gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh. Về lâu dài dễ gây sâu răng và viêm nha chu.
- Răng khôn bị sâu hoặc bệnh nha chu.
- Nhổ răng khôn khi cần làm răng giả, chỉnh hình hoặc răng khôn là nguyên nhân gây ra một số bệnh toàn thân khác.
Trường hợp không nhất thiết phải nhổ bỏ răng khôn là gì:
- Răng khôn mọc thẳng, bình thường, không gây ra biến chứng, không bị kẹt bởi mô xương hay nướu.
- Khách hàng có bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như tim mạch, tiểu đường, rối loạn đông máu,..
- Răng khôn có liên quan trực tiếp đến cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm hay dây thần kinh,... mà không thể thực hiện các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt.
Theo các chuyên gia, thời điểm tốt nhất để nhổ răng khôn là gì? Là độ tuổi 18 - 25 tuổi, khi chân răng đã hình thành được 2/3. Nếu trên 35 tuổi, nếu tiến hành nhổ răng khôn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do xương đã cứng và đặc hơn. Dù nhổ răng ở bất kỳ giai đoạn nào thì bạn cũng nên tìm hiểu thật kỹ và lựa chọn cho mình địa chỉ nha khoa uy tín để thực hiện nhổ răng hiệu quả và an toàn nhé.