TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Răng trẻ em bị vỡ - Nguyên nhân và cách điều trị

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 1,338
Răng trẻ em bị vỡ là một trong những vấn đề răng miệng thường gặp ở trẻ em. Nguyên nhân có thể do răng bị sâu hoặc các tác động bên ngoài gây chấn thương răng. Tùy theo nguyên nhân và tình trạng răng bị vỡ mà Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Có nhiều nguyên nhân khiến răng trẻ em bị vỡ, trong đó những nguyên nhân chủ yếu bao gồm răng yếu do thiếu flour hoặc canxi, răng bị sâu lớn, chấn thương răng.

Phương pháp điều trị răng bị vỡ ở trẻ tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương răng. Phụ huynh nên cho trẻ thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt khi trẻ có dấu hiệu mẻ, vỡ răng.

Nguyên nhân khiến răng trẻ em bị vỡ

Răng trẻ em bị vỡ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 nguyên nhân phổ biến nhất, bao gồm:

1. Sâu răng

Sâu răng là bệnh lý răng miệng thường gặp nhất ở trẻ em. Có hơn 80% trẻ em bị sâu răng. Lý do là vì trẻ em thường thích ăn vặt, ăn thực phẩm nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt nhưng lại chưa có thói quen chăm sóc và vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng.

Các thực phẩm nhiều đường không chỉ là thức ăn ưa thích của trẻ em mà còn là thức ăn ưa thích của vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ phân hủy đường từ thức ăn thừa bám trên răng thành axit, axit bào mòn men răng và hình thành những lỗ li ti trên răng, gọi là lỗ sâu răng.

Nếu không được điều trị, vi khuẩn sẽ sinh sôi và tấn công mạnh hơn, khiến các lỗ sâu ngày càng lớn, phá hủy cấu trúc răng. Răng sẽ trở nên yếu và dễ bị mẻ, vỡ, gãy.

Sâu răng là nguyên nhân hàng đầu khiến răng trẻ em bị vỡ

2. Chấn thương răng

Trẻ em là đối tượng rất hiếu động nên việc chạy nhảy, đùa giỡn là điều thường thấy ở trẻ. Các hoạt động vui chơi ở trẻ đôi khi có thể khiến trẻ bị thương, đặc biệt là té ngã khiến răng trẻ em bị vỡ.

Những tác động từ bên ngoài do tập luyện thể dục, thể thao hay tác động vật lý cũng có thể làm trẻ bị vỡ, gãy răng.

3. Trẻ bị vỡ răng do thiếu chất

Trẻ em cần được cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng, đảm bảo đủ dinh dưỡng để các bộ phận trên cơ thể phát triển khỏe mạnh.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan như điều kiện gia đình, tình trạng hấp thu, bệnh lý biếng ăn… mà nhiều trẻ gặp vấn đề về dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu canxi hay flour khiến răng và xương trở nên yếu.

Trẻ thiếu canxi và flour có thể gặp tình trạng răng kém chắc khỏe, dễ bị vi khuẩn tấn công hay dễ bị mủn răng, mẻ hay vỡ răng.

Điều trị răng trẻ em bị vỡ

Để điều trị răng trẻ em bị vỡ, Bác sĩ cần tiến hành thăm khám, chẩn đoán để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thương cấu trúc răng.

  • Nếu răng chỉ bị vỡ nhẹ, chưa ảnh hưởng đến tủy răng thì Bác sĩ sẽ xem xét chỉ định trám răng thẩm mỹ để phục hình lại hình dáng răng, bảo vệ mô răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn.

Trẻ bị vỡ răng cần được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt

  • Trường hợp răng bị vỡ do chấn thương hay do sâu răng mức độ nặng, tổn thương tủy răng thì cần tiến hành chữa tủy, sau đó bọc răng sứ để bảo vệ răng sau chữa tủy, giúp trẻ phục hồi thẩm mỹ lẫn chức năng ăn nhai.

Bên cạnh các phương pháp điều trị chuyên nghiệp, Bác sĩ cũng sẽ tư vấn cho ba mẹ chế độ dinh dưỡng cho trẻ, các sản phẩm chăm sóc răng phù hợp lứa tuổi của trẻ, hướng dẫn trẻ đánh răng đúng cách và biện pháp bảo vệ răng miệng trong sinh hoạt hàng ngày.

Xem thêm: Trám răng dự phòng sâu răng cho trẻ

Cách chăm sóc khi trẻ bị vỡ răng

Khi trẻ bị vỡ răng, phụ huynh cần lưu ý chăm sóc cho trẻ như sau:

  • Cho trẻ ăn thức ăn mềm: thực phẩm cứng sẽ khiến răng phải hoạt động mạnh để nhai, cắn, từ đó khiến trẻ thêm khó chịu, đau nhức, và có thể khiến răng vỡ nhiều hơn vì áp lực nhai.
  • Không sử dụng thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh: chiếc răng bị vỡ rất dễ bị kích thích bởi nhiệt độ nóng/ lạnh, do đó ba mẹ cần tránh cho trẻ ăn thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh để trẻ không bị ê buốt, khó chịu.
  • Giảm thiểu tình trạng nhiễm trùng do vỡ răng: bạn có thể cho trẻ súc miệng với nước muối ấm vì nước muối có tính sát khuẩn.
  • Không dùng răng vỡ để ăn nhai: Nhắc trẻ nhai bằng bên không có răng bị vỡ để tránh răng bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Giữ lại mảnh vỡ của răng: Trong một số trường hợp Bác sĩ có thể gắn lại mảnh vỡ vào răng nên nếu có thể bạn cần giữ lại mảnh vỡ của răng để đưa cho Bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc theo hướng dẫn: Có những trường hợp răng bị vỡ đi kèm các triệu chứng như đau, sưng, viêm… Lúc này Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp trẻ giảm đau, kháng viêm. Bạn cần cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ định của Bác sĩ.

Trẻ điều trị tại Nha khoa Nhân Tâm

Trên đây là một số thông tin giúp các bậc phụ huynh hiểu thêm về nguyên nhân và cách điều trị răng trẻ em bị vỡ. Khi trẻ bị mẻ hay vỡ răng, phụ huynh cần lựa chọn địa chỉ nha khoa gần nhất tại khu vực cư trú để đưa trẻ đến thăm khám và điều trị sớm nhất có thể.