TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Hiện tượng tiêu xương hàm và nguyên nhân gây tiêu xương hàm

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 2,181
Xương hàm giúp cấu trúc trên khuôn mặt được hài hòa và cho phép phát âm chuẩn và ăn nhai tốt. Tình trạng tiêu xương hàm có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác của răng miệng và sức khỏe tổng thể của bạn. Tiêu xương hàm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, bao gồm mất răng, bệnh nướu răng và một số bệnh lý.

Nhiều bệnh nhân bị nha chu hoặc mất răng sẽ bị tiêu xương hàm. Nhìn chung, quá trình này diễn ra từ từ và bạn có thể không nhận thấy ngay rằng xương hàm của bạn đang bị teo dần.

Cách hiệu quả nhất để chẩn đoán tình trạng xương hàm là đến gặp bác sĩ nha khoa để được chụp phim răng 3 chiều và khảo sát cấu trúc xương hàm.

Nếu không được điều trị, mất xương hàm có thể dẫn đến nhiều rủi ro như khiến các răng còn lại bị lệch khớp cắn, làm biến dạng khuôn mặt, ăn nhai khó khăn. Phương pháp điều trị tiêu xương hàm phổ biến nhất là ghép xương nha khoa.

Tiêu xương hàm là gì? Dấu hiệu tiêu xương hàm

Tiêu xương hàm là tình trạng xương hàm bị teo do mất đi mật độ, thể tích của mô xương hàm. Khi xương mất mật độ, nó sẽ trở nên xốp hơn.

Xương hàm có thể bị tiêu do nhiều yếu tố như bệnh lý răng miệng, chấn thương xương hàm, mất răng, thiếu dinh dưỡng… Trong các nguyên nhân thì phổ biến nhất là do mất răng và bệnh nướu răng.

Mặt bị biến dạng do tiêu xương hàm

Những thay đổi nhất định về đặc điểm khuôn mặt và khớp cắn của bạn có thể cho thấy tình trạng tiêu xương hàm ở bạn ít hay nhiều.

Khi khối lượng mô ở hàm giảm, bạn có thể nhận thấy miệng dường như thu gọn vào mặt, cằm nhọn hơn hoặc các nếp nhăn bắt đầu hình thành quanh miệng mà chúng ta hay gọi là tình trạng móm mém.

Nguyên nhân nào gây ra tình trạng tiêu xương hàm?

Tiêu xương hàm có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân phổ biến nhất là mất răng và bệnh nướu răng. Ngoài ra, một loạt các vấn đề khác có thể dẫn đến mất mô trong hàm, ví dụ hút thuốc có thể ảnh hưởng đến mật độ xương ở tất cả các vùng trên cơ thể, bao gồm cả xương hàm.

Mất răng

Răng của bạn giúp duy trì chiều cao và độ dày tự nhiên của xương hàm. Phần xương bao quanh chân răng được gọi là xương ổ răng. Trong quá trình ăn nhai, chân răng sẽ kích thích xương tái tạo tế bào mới, từ đó bảo tồn xương ổ răng.

Khi mất răng sẽ không còn chân răng để kích thích xương ổ răng, do đó xương sẽ không tái tạo tế bào mới và phát triển mà bị teo dần. Răng mất càng lâu không được điều trị, xương càng bị mất nhiều hơn cho đến khi xương bên dưới các răng lân cận bị ảnh hưởng, có thể gây mất răng nhiều hơn.

Mất răng và bệnh nha chu là 2 nguyên nhân chính gây tiêu xương hàm

Bệnh nha chu

Nhiễm trùng mãn tính ở mô nướu, được gọi là bệnh nha chu, ảnh hưởng đến các cấu trúc nâng đỡ răng, chẳng hạn như xương ổ răng và các dây chằng nha chu khác. Ở giai đoạn nặng, vi khuẩn liên quan đến bệnh nha chu bắt đầu ăn mòn mô nướu và xương nâng đỡ, gây mất răng và tiêu xương hàm.

Vì nhiều triệu chứng của bệnh nướu răng không rõ ràng nên tình trạng này thường không được chú ý trong thời gian dài. Khi bệnh nha chu không được điều trị, nó có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức mạnh và sự ổn định của xương hàm.

Răng giả và cầu răng

Các phương pháp truyền thống để thay thế răng đã mất bao gồm răng giả và cầu răng có thể giúp phục hình thân răng, mang lại nụ cười tự nhiên hơn và cải thiện khả năng ăn uống.

Tuy nhiên, răng giả và cầu răng không bảo vệ được xương hàm của bạn khỏi tình trạng tiêu xương vì chúng không phục hình chân răng nên xương hàm tại vị trí mất răng không được kích thích sản sinh tế bào mới và tiếp tục bị teo.

Mặt khác, răng giả có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất xương hàm do răng giả có xu hướng dịch chuyển so với mô nướu và cọ xát trên nướu. Theo thời gian, quá trình này có thể làm tăng tốc độ tiêu xương hàm.

Bệnh lý về xương

Một số bệnh lý làm tăng khả năng bị teo xương hàm của bạn. Loãng xương, một tình trạng khiến xương trở nên yếu và dễ gãy, có thể ảnh hưởng đến hàm và dẫn đến suy thoái mô.

Bệnh xương Paget (PDB)-một loại viêm xương do nhiễm trùng có thể phá vỡ sự thay thế tự nhiên của mô xương cũ bằng mô xương mới dẫn đến tiêu xương răng. Các khối u trên mặt là một nguyên nhân phổ biến khác khiến xương hàm bị thoái hóa.

Chấn thương xương hàm

Chấn thương xương hàm và chấn thương răng cũng liên quan đến tình trạng tiêu xương. Nếu một chiếc răng bị bật ra hoặc bị gãy, sự kích thích của răng đến xương hàm sẽ ngừng lại, dẫn đến sự suy thoái mô.

Sai lệch khớp cắn

Sai khớp cắn có thể ảnh hưởng đến khả năng năng nghiến và ăn nhai của răng, từ đó hạn chế sự kích thích tự nhiên của xương hàm dẫn đến tiêu xương.

Điều trị và phòng ngừa tiêu xương hàm

Phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để phục hồi mô xương hàm đã mất là ghép xương. Trong quá trình ghép xương nha khoa, Bác sĩ sẽ thay thế mô bị mất bằng vật liệu ghép xương.

Trong một vài tháng, cơ thể sẽ tương thích với vật liệu ghép và thay thế nó bằng mô khỏe mạnh, tự nhiên, khôi phục mật độ và thể tích của xương hàm. Ghép xương có thể sử dụng xương của chính bạn, xương của người hiến tặng hoặc xương nhân tạo.

Ngăn ngừa tình trạng tiêu xương hàm sẽ giúp bạn tránh được việc ghép xương và các thủ thuật tốn kém khác trong tương lai:

  • Khi bị mất răng cần phục hình răng sớm nhất có thể bằng giải pháp cấy ghép răng Implant. Trụ Implant đóng vai trò là chân răng sẽ kích thích xương hàm phát triển và không bị tiêu biến, duy trì sự ổn định của hàm.
  • Chăm sóc răng miệng và khám răng định kỳ để để phòng các bệnh lý răng miệng, bảo tồn xương hàm.
  • Hút thuốc và sử dụng thuốc lá có hại cho sức khỏe của xương. Tránh hút thuốc và duy trì một lối sống lành mạnh có thể giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể và sức khỏe răng miệng của bạn.
  • Chế độ ăn uống khoa học. Xương cần canxi, vitamin D, protein và phốt pho, cũng như các chất dinh dưỡng thiết yếu khác. Chế độ ăn uống cân bằng và nhiều trái cây và rau quả có thể tăng cường sức khỏe của xương. Nếu bạn không nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết từ thực phẩm thì có thể sử dụng các loại thực phẩm chức năng để bổ sung đủ chất cho cơ thể.