TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Viêm họng cấp là gì? Nguyên nhân và cách điều trị thế nào?

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 54
Viêm họng cấp là một trong những bệnh về tai mũi họng phổ biến, thường gặp vào mùa đông hay khi thời tiết giao mùa. Bệnh này gây nên những cơn đau họng dai dẳng, có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm họng cấp hiệu quả qua bài viết sau nhé.

Viêm họng cấp là tình trạng có thể gặp phải ở bất kỳ ai khi hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Bệnh lý này gây đau, rát họng, ho và mệt mỏi cho người bệnh. Nếu không được can thiệp kịp thời, viêm họng cấp có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và để lại những biến chứng khôn lường.

Viêm họng cấp là gì?

Viêm họng cấp là tình trạng viêm cấp tính và nhiễm trùng niêm mạc thành sau họng do sự lây lan của vi khuẩn hoặc virus qua đường hô hấp. Bệnh thường đi kèm với viêm mũi, viêm amidan vì các tổ chức này nằm gần nhau.

Viêm họng cấp thường gặp vào mùa lạnh

Bệnh viêm họng cấp thường gặp vào mùa lạnh, hay khi thời tiết giao mùa. Khi bị viêm họng, cổ họng sẽ bị sưng đỏ, đau rát, ngứa ngáy, khàn giọng, khó nuốt, sốt, mệt mỏi… Bệnh có thể kéo dài 1 - 2 tuần hoặc thậm chí lâu hơn nữa và kèm theo những biến chứng khôn lường.

Nguyên nhân gây viêm họng cấp

Nguyên nhân dẫn đến viêm họng cấp có thể do vi khuẩn hoặc virus gây ra, trong đó virus là nguyên nhân phổ biến hơn.

Virus gây viêm họng cấp

  • Virus Adeno
  • Virus Entero
  • Virus Herpangina
  • Coxsackie A16
  • Virus Herpes simplex (HSV)
  • Virus sởi

Vi khuẩn gây viêm họng cấp

  • Liên cầu khuẩn nhóm A
  • Vi khuẩn bạch hầu
  • Vi khuẩn lậu cầu
  • Fusobacterium Necrophorum
  • Arcanobacterium

Viêm họng cấp thường xuất hiện do vi khuẩn và virus lây qua đường hô hấp

Triệu chứng của bệnh viêm họng cấp do nhiễm virus

Triệu chứng của viêm họng cấp sẽ có các biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào loại virus gây nên, cụ thể như:

Nhiễm Adenovirus

Khi bị nhiễm virus Adenovirus, người bệnh thường có các biểu hiện như sốt cao, họng đỏ và sưng đau, phì đại amidan, kèm theo các triệu chứng như xuất tiết đờm và sưng hạch cổ. Đặc biệt, nếu viêm họng do virus xảy ra đồng thời với viêm kết mạc sẽ làm xuất hiện hội chứng sốt - kết mạc - họng. Bệnh này thường kéo dài khoảng 1 tuần và không đáp ứng với kháng sinh, có khả năng tái nhiễm nhiều lần, nhất là ở trẻ em.

Nhiễm Enterovirus

Enterovirus là nguyên nhân gây viêm họng cấp, nhất là vào mùa hè. Triệu chứng chủ yếu đó là đau họng dữ dội, sốt cao, amidan sưng đỏ, sung huyết hầu họng, viêm hạch cổ… Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ hết trong vài ngày.

Nhiễm virus Herpangina

Nhiễm virus Herpangina đặc trưng bởi các tổn thương dạng mụn nước nhỏ màu trắng xám, rời rạc, đau nhiều, phân bố ở phía sau hầu họng. Các mụn nước này có đường kính từ 1-2mm, lúc đầu được bao quanh bởi hồng ban trước khi loét ra.

Khi bị nhiễm virus Herpangina, người bệnh có thể sốt cao đến 39.5 độ C, kèm theo những cơn đau đầu dữ dội, cơ thể mệt mỏi, khô khan, mất nước. Thông thường, bệnh sẽ kéo dài không quá 7 ngày.

Đau họng kèm theo sốt cao liên tục là dấu hiệu của viêm họng cấp do virus gây ra

Nhiễm Coxsackie A16

Viêm họng cấp do nhiễm Coxsackie A16 thường sẽ xuất hiện các mụn nước ở khắp vùng hầu họng, gây đau rát, lở loét. Mụn nước cũng có thể phát triển ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và ít thường xuyên hơn ở thân hoặc tứ chi. Ngoài ra, người bệnh có thể sốt nhẹ và các triệu chứng khác kéo dài khoảng một tuần.

Nhiễm virus Herpes Simplex (HSV)

Nhiễm trùng nguyên phát do virus Herpes Simplex (HSV) gây ra thường có triệu chứng điển hình là sốt cao kèm theo viêm nướu răng cấp tính, bao gồm các mụn nước xuất hiện ở khắp phần trước của miệng và môi.

Nhiễm virus sởi

Bệnh thường gặp ở trẻ em và biểu hiện bằng các triệu chứng như ho, sốt cao, sổ mũi, viêm kết mạc, hầu họng có thể sung huyết nhiều và lan tỏa nhưng amidan không bị sưng và không tiết dịch. Khi khám lâm sàng sẽ thấy sự xuất hiện của các đốm Koplik màu trắng hoặc xanh trắng trên niêm mạc lợi gần răng hàm dưới.

Xem thêm: Enzyme là gì? Vai trò của Enzyme đối với sức khỏe

Triệu chứng của viêm họng cấp do nhiễm khuẩn

Viêm họng cấp do vi khuẩn gây ra thường sẽ có những triệu chứng như:

Liên cầu khuẩn nhóm A

Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng điển hình như sốt, đau họng. Ngoài ra, các triệu chứng như đau đầu, đau bụng, buồn nôn cũng thường xuyên xảy ra. Người bệnh còn có thể bị ho, viêm kết mạc, tiêu chảy, tổn thương niêm mạc họng, khàn giọng.

Khi khám bệnh, nếu hầu họng bị sung huyết rõ rệt thì có thể xuất hiện các đốm xuất huyết trên vòm miệng hoặc trong họng, đặc biệt là thể bệnh tăng bạch cầu đơn thân. Amidan to ra, có màu đỏ, trên bề mặt có các hốc nhú. Các nhú của lưỡi cũng có thể đỏ và sưng lên, hạch cổ mềm.

Sốt tinh hồng nhiệt

Đặc trưng bởi ban đỏ xuất hiện trên mặt và sau 24 giờ sẽ lan rộng ra toàn thân. Các vết ban sẽ bong ra sau vài ngày, giống như bị cháy nắng nhẹ. Ngoài ra, người bệnh còn có thể sốt, đau họng, ho, chảy máu cam, viêm kết mạc, viêm thanh quản, hôi miệng…

Nhiễm khuẩn trong tăng bạch cầu đơn nhân

Viêm họng xuất tiết cấp tính thường xảy ra với bệnh tăng bạch cầu đơn nhân do nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) nguyên phát. Các triệu chứng chính bao gồm sốt cao, viêm họng cấp nhẹ hoặc nặng, sưng amidan có thể gây tắc nghẽn đường hô hấp, ban đỏ và xuất tiết amidan, các hạch bạch huyết cổ có thể sưng to và hơi mềm.

Nhiễm khuẩn Fusobacterium Necrophorum

Fusobacterium necrophorum là một vi khuẩn gram âm kỵ khí, được nhận định là nguyên nhân gây viêm họng ở thanh thiếu niên và người lớn. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng như sốt, đau họng, viêm họng xuất tiết. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển nặng hơn, gây áp xe thành sau họng, sưng cổ dữ dội, bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc.

Sốt cao đột ngột, đau họng, đau đầu kèm theo buồn nôn là những dấu hiệu phổ biến của viêm họng cấp do vi khuẩn gây ra

Nhiễm khuẩn Arcanobacterium

Arcanobacterium haemolyticum là một vi khuẩn gram dương gây ra viêm họng cấp tính và phát ban đỏ. Đặc trưng của bệnh là sung huyết hầu họng, dịch tiết từ amidan trắng đến xám, viêm hạch cổ và sốt nhẹ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể có chấm xuất huyết ở lòng bàn tay và lưỡi, phát ban dạng sốt tinh hồng nhiệt thường xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân; phát ban đỏ và trắng có thể gây ngứa và ít bong tróc.

Nhiễm khuẩn bạch hầu

Nhiễm khuẩn bạch hầu là một bệnh rất nghiêm trọng. Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1 - 5 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, chán ăn, khó chịu, mệt mỏi. Amidan và thành họng xuất hiện các màng màu xám trắng trong vòng 1 - 2 ngày, nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở khí quản và thanh quản.

Nhiễm khuẩn lậu cầu

Nhiễm khuẩn lậu cầu Neisseria Gonorrhoeae thường có các triệu chứng như: viêm amidan có mủ, loét, nhưng đôi khi lại không có triệu chứng và sau đó sẽ tự khỏi.

Nhiễm khuẩn Haemophilus Influenzae type B

Haemophilus Influenzae type B là loại vi khuẩn gây ra viêm thanh nhiệt và viêm khí quản. Bệnh có các dấu hiệu khởi phát là đau họng và sốt cao, sau đó tiến triển nhanh chóng gây tổn thương đường hô hấp. Ngoài ra, khi bị nhiễm khuẩn Haemophilus Influenzae type B, bệnh nhân cũng thường hay chảy nước bọt, nói lắp hoặc nói khó.

Viêm họng cấp có nguy hiểm không?

Viêm họng cấp có nguy hiểm không là mối quan tâm hàng đầu của nhiều người. Nhiều trường hợp bệnh có thể khỏi sau một thời gian ngắn nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, nếu không được chăm sóc kịp thời và đúng cách, bệnh có thể gây nên nhiều nguy hiểm không lường, nhất là với trẻ em.

Viêm họng cấp nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe

Viêm họng cấp có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm gan, viêm cơ tim, viêm cơ thường gặp ở nhiễm virus Adeno; viêm màng não, viêm cơ tim thường gặp ở nhiễm virus Entero; áp xe thành sau họng; viêm xoang, viêm xương chũm, viêm tai giữa do liên cầu khuẩn nhóm A.

Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm họng cấp

Để xác định được tình trạng viêm họng cấp cũng như đường gây bệnh, bạn cần phải tiến hành khám lâm sàng. Trường hợp sau khi khám chưa có đủ cơ sở để xác định bệnh thì cần thực hiện thêm các xét nghiệm cần thiết.

Khám lâm sàng

Viêm họng cấp thường có thời gian ủ bệnh. Các triệu chứng lâm sàng thường kéo dài khoảng 1 - 2 tuần, bao gồm:

  • Ngứa cổ họng
  • Ho
  • Khàn tiếng
  • Loét miệng
  • Viêm thanh quản
  • Viêm kết mạc
  • Nổi hạch

Ngoài ra, một số virus như virus cúm, Rhinovirus, Coronavirus và virus hợp bào hô hấp (RSV) gây ra các hội chứng lâm sàng riêng biệt bao gồm: sổ mũi, viêm họng, đau đầu, đau cơ, sốt, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Các triệu chứng này không cần xét nghiệm mà có thể chẩn đoán một cách dễ dàng.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như:

  • Xét nghiệm kháng nguyên nhanh (RADT): Được thực hiện khi nghi ngờ nguyên nhân gây viêm họng là do liên cầu khuẩn nhóm A. Tuy nhiên, xét nghiệm này thường không được chỉ định cho trẻ em dưới 3 tuổi và người bị sốt thấp khớp cấp tính.
  • Nuôi cấy dịch họng: Phương pháp này được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán viêm họng cấp.
  • Xét nghiệm máu: Được chỉ định khi có nghi ngờ viêm họng cấp là do liên cầu khuẩn.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Được chỉ định khi bệnh nhân gặp phải biến chứng áp xe thành sau họng do viêm họng cấp.

Khám lâm sàng và chẩn đoán cận lâm sàng là các phương pháp giúp chẩn đoán viêm họng cấp phổ biến hiện nay

Cách điều trị viêm họng cấp

Hiện nay có rất nhiều cách điều trị viêm họng cấp, bạn có thể điều trị bằng thuốc kết hợp với các phương pháp hỗ trợ tại nhà.

Điều trị bằng thuốc

Trường hợp bệnh nhân bị viêm họng cấp do vi khuẩn có kết quả RADT dương tính hoặc cấy dịch ở cổ họng, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc kháng sinh như Penicillin, hoặc Amoxicillin. Các loại kháng sinh này sẽ nhanh chóng giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng như áp xe thành sau họng.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể kê một số loại thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng như thuốc giảm đau đầu, giảm ho, kháng viêm… một số loại thuốc điều trị tại chỗ như thuốc súc họng, bôi họng, khí dung họng.

Lưu ý: Chỉ uống thuốc theo đơn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý kê đơn và mua thuốc bên ngoài khi chưa thăm khám và có sự chỉ định của bác sĩ.

Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Điều trị phẫu thuật

Trong trường hợp viêm họng cấp ở mức độ nặng, để lại dị chứng và không đáp ứng với điều trị y tế thông thường, chẳng hạn như áp xe thành sau họng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện phẫu thuật dẫn lưu để điều trị.

Điều trị hỗ trợ tại nhà

Ngoài việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng có thể thực hiện các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà để làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm họng cấp, mang lại sự thoải mái, dễ chịu cho cơ thể.

  • Súc họng bằng nước muối sinh lý: Người bệnh có thể thực hiện súc họng bằng nước muối 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối, hoặc khi bị ho, đau họng nhiều. Nước muối có khả năng kháng viêm, làm giảm số lượng vi khuẩn trong vòm họng, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu.
  • Súc họng với mật ong: Mật ong được xem là một chất kháng viêm tự nhiên, giúp làm giảm triệu chứng đau họng hiệu quả, có thể dùng được cho cả người lớn và trẻ em. Bạn chỉ cần dùng mật ong súc miệng là được.
  • Xông tinh dầu: Các loại tinh dầu sả, gừng, bạc hà, hoa cúc… có chứa các chất kháng viêm, có tác dụng làm dịu cổ họng, giảm nghẹt mũi hiệu quả.
  • Uống trà thảo dược ấm: Các loại trà thảo dược có tính ấm như trà gừng, trà hoa cúc, trà bạc hà, trà quế… có thể giúp làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, đau họng, mang đến cảm giác dễ chịu cho người bệnh. Người bệnh chỉ nên uống vào buổi sáng sau khi thức dậy để giúp thông thường thở tốt hơn.
  • Thuốc xịt họng: Bạn có thể sử dụng các loại thuốc xịt họng có chứa thành phần phenol để hỗ trợ điều trị viêm họng cấp tại nhà.

Súc họng bằng nước muối sinh lý

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm họng cấp

Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh viêm họng cấp đó chính là do virus. Vì thế, để ngăn ngừa sự lây lan của các loại virus, cách tốt nhất là bạn nên chủ động phòng ngừa bằng các biện pháp như:

  • Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, khi tiếp xúc với người bệnh hoặc khi thời tiết lạnh, khô hanh.
  • Hạn chế tụ tập nơi đông người, giữ khoảng cách an toàn với người bệnh để tránh lây nhiễm.
  • Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ họng, nhất là trong mùa lạnh.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với người bệnh.
  • Hạn chế các thức ăn cay nóng, đồ uống có gas, rượu, bia, cà phê… vì chúng có thể gây kích ứng niêm mạc họng.
  • Uống đủ nước ấm để giữ cho niêm mạc họng luôn ẩm và dễ chịu. Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C, kẽm để tăng cường sức đề kháng.
  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày để đảm bảo răng miệng luôn sạch sẽ. Súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày để làm sạch khoang miệng và họng, loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh thức khuya. Ngoài ra, bạn cần tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức khỏe.
  • Duy trì thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ, thăm khám nha khoa 6 tháng/lần để sớm phát hiện và điều trị kịp thời các nguyên nhân có thể gây viêm họng cấp.

Hãy đeo khẩu trang khi đi ra ngoài

Viêm họng cấp là một bệnh thường gặp, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Nếu bạn nhận thấy bản thân mình có những triệu chứng của viêm họng, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Đừng quên áp dụng những biện pháp phòng ngừa trên để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình nhé.