TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Dính thắng lưỡi ở trẻ và những điều cần biết

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 329
Dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh mà bất cứ trẻ sơ sinh nào cũng có thể gặp phải. Đây là một dị tật nhẹ, không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại khiến trẻ khó cử động lưỡi, gây khó khăn khi bú, ăn uống, nói chuyện… Cùng tìm hiểu về dính thắng lưỡi cũng như cách điều trị hiệu quả qua những thông tin trong bài viết sau nhé.

Theo thống kê, có đến 5% trẻ sơ sinh mắc phải dị tật dính thắng lưỡi, có thể được phát hiện ngay trong tháng đầu thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm chủng. Tình trạng này khiến các cử động bình thường của lưỡi bị hạn chế, khiến bé khó bú, khó phát âm hay chậm tăng cân.

Dính thắng lưỡi là gì?

Dính thắng lưỡi là một tình trạng bẩm sinh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, xảy ra khi dây thắng lưỡi (một lớp màng mỏng dưới lưỡi) ngắn hơn bình thường hoặc bám quá sát vào đầu lưỡi. Tình trạng này sẽ làm hạn chế khả năng cử động của lưỡi, khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc bú sữa, phát âm…

Dính thắng lưỡi là một tình trạng bẩm sinh ở trẻ

Tật dính thắng lưỡi của trẻ có thể dính ít hoặc nhiều, có thể được phát hiện ngay trong tháng đầu thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tiêm chủng. Trong một số trường hợp, trẻ được phát hiện muộn hơn khi cha mẹ thấy bé khó bú, chậm tăng cân hay khó phát âm.

Nguyên nhân gây dính thắng lưỡi ở trẻ

Cho đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến dị tật thắng lưỡi. Theo một số nghiên cứu khoa học, tình trạng dính thắng lưỡi ở trẻ chủ yếu xuất phát từ yếu tố di truyền.

Dấu hiệu nhận biết dính thắng lưỡi

Để nhận biết trẻ mắc tật dính thắng lưỡi sớm và có phương pháp khắc phục kịp thời, ba mẹ có thể dựa vào các dấu hiệu sau:

  • Đầu lưỡi không nhọn như bình thường mà có hình chữ V hoặc hình trái tim, xảy ra khi thắng lưỡi dính ở đầu lưỡi hoặc cạnh đầu lưỡi.
  • Bé không thể thè lưỡi ra ngoài hoặc đưa sang hai bên.
  • Đầu lưỡi không thể chạm đến răng cửa hàm trên hoặc vòm họng.
  • Bé gặp nhiều khó khăn khi bú, bú lâu, mệt mỏi, hay khóc, cáu gắt khi bú, có thể bị sặc sữa.
  • Lưỡi bị cử động hạn chế nên khả năng phát âm của trẻ bị hạn chế. Khi trẻ từ 5 - 6 tuổi, việc phát âm, nói ngọng sẽ rõ ràng hơn, trẻ sẽ khó khăn trong việc phát âm một số âm như R, L, S, Th.
  • Răng cửa ở hàm dưới của trẻ có thể bị xô lệch hoặc có khe hở giữa 2 răng.

Đầu lưỡi hình chữ V do dính thắng lưỡi

Hình ảnh trẻ bị dính thắng lưỡi

Dưới đây là một số hình ảnh minh họa cụ thể cùng với mô tả chi tiết để giúp bạn nhận biết dấu hiệu dính thắng lưỡi ở trẻ:

Trẻ bị dính thắng lưỡi

Đầu lưỡi có hình trái tim khi trẻ thè lưỡi

Trẻ bị dính thắng lưỡi thường gặp khó khăn khi đưa lưỡi lên chạm vào mũi hoặc vòm miệng

Dính thắng lưỡi khiến trẻ gặp khó khăn khi bú sữa, dễ quấy khóc, sặc sữa

Các mức độ dính thắng lưỡi ở trẻ

Để phân loại mức độ dính thắng lưỡi, bác sĩ sẽ dựa trên chiều dài của dây thắng lưỡi. Chiều dài dây thắng lưỡi càng ngắn thì mức độ dị tật càng nặng.

  • Mức độ 1 (mức độ nhẹ): Thắng lưỡi dài từ 12 - 16mm. Đây là mức độ nhẹ, lưỡi vẫn có thể thực hiện được một số cử động cơ bản như: đưa lưỡi ra ngoài, đưa lưỡi sang hai bên, đưa lưỡi chạm vào vòm khẩu cái…
  • Mức độ 2 (mức độ trung bình): Thắng lưỡi dài từ 8 - 11mm. Ở mức độ này, lưỡi có một chút hạn chế về cử động. Bé sẽ khó đưa lưỡi ra bên ngoài, đưa lên trên hay đưa sang hai bên như bình thường được.
  • Mức độ 3 (mức độ nặng): Thắng lưỡi dài 3 - 7mm. Ở mức độ này thì lưỡi gần như không thể di chuyển được.
  • Mức độ 4 (dính thắng lưỡi hoàn toàn): Thắng lưỡi dài dưới 3mm, lưỡi nằm sát với sàn miệng.

Dính thắng lưỡi ở trẻ có nhiều mức độ

Ảnh hưởng của dính thắng lưỡi

Dính thắng lưỡi, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Dưới đây là một số ảnh hưởng phổ biến.

Ảnh hưởng đến việc bú mẹ và ăn uống

Dính thắng lưỡi sẽ khiến trẻ khó khăn khi bú, bú lâu, mệt mỏi, dễ bị sặc. Hơn nữa, do quá trình ăn uống gặp nhiều trở ngại nên trẻ có thể trở nên biếng ăn, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất.

Ảnh hưởng đến phát âm, giao tiếp

Dây thắng lưỡi ngắn sẽ hạn chế sự linh hoạt của lưỡi, khiến trẻ khó phát âm rõ các âm như R, L, S, Th… Giọng nói của trẻ bị ngọng, không được rõ ràng, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc giao tiếp với bạn bè, gây tâm lý tự ti.

Dính thắng lưỡi ảnh hưởng đến sức khỏe, ăn uống của trẻ

Ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng

Dây thắng lưỡi ngắn có thể gây áp lực lên răng, từ đó khiến răng cửa hàm dưới bị hở hoặc xô lệch. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến khớp cắn mà còn gây mất thẩm mỹ nụ cười. Hơn nữa, việc đưa lưỡi vào các vị trí khó để vệ sinh răng miệng cung bị hạn chế.

Ảnh hưởng đến sự phát triển tổng thể

Do khó khăn trong việc ăn uống, trẻ có thể bị chậm lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa. Việc khó khăn trong phát âm có thể làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.

Xem thêm: Chỉ nha khoa là gì? Hướng dẫn dùng chỉ nha khoa đúng cách

Trẻ bị dính thắng lưỡi có tự hết không?

Dính thắng lưỡi ở trẻ thường không thể tự khỏi. Dây thắng lưỡi ngắn bẩm sinh sẽ không tự dài ra theo thời gian. Tuy nhiên, ở một số trẻ, dính thắng lưỡi ở mức độ rất nhẹ, dây thắng lưỡi có thể tự giãn ra một chút theo thời gian và không gây ảnh hưởng quá nhiều đến các hoạt động ăn uống, nói chuyện.

Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ, tốt nhất ba mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn cụ thể.

Trẻ dính thắng lưỡi thường không thể tự khỏi

Cách khắc phục tình trạng dính thắng lưỡi

Khi nhận thấy con em mình bị tật dính thắng lưỡi, ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán mức độ dị tật ở trẻ. Từ đó xác định xem trẻ có cần thực hiện phẫu thuật cắt thắng lưỡi hay không.

Cắt thắng lưỡi là phương pháp điều trị hiệu quả nhất, giúp giải quyết triệt để vấn đề. Bác sĩ sẽ thực hiện gây tê hoặc gây mê để trẻ không cảm thấy đau. Bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dụng để cắt đi phần dây thắng lưỡi thừa, cuối cùng là khâu vết thương và chờ hồi phục. Trẻ có thể ăn uống bình thường sau khoảng 3 tiếng.

Cắt thắng lưỡi cần được thực hiện tại địa chỉ uy tín

Chi phí cắt thắng lưỡi sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cụ thể như: mức độ dính thắng lưỡi, phương pháp phẫu thuật, kỹ thuật gây tê hoặc gây mê, độ tuổi phẫu thuật… Nếu sau quá trình phẫu thuật, trẻ ổn định và có thể về nhà ngay thì chi phí cắt thắng lưỡi sẽ không quá nhiều.

Lưu ý: Nha khoa Nhân Tâm không thực hiện phẫu thuật cắt thắng lưỡi. Để thực hiện phẫu thuật này, ba mẹ nên tìm đến những bệnh viện uy tín để đảm bảo quá trình phẫu thuật diễn ra an toàn, nhanh chóng và hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm trùng.

Hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp ba mẹ hiểu rõ hơn về dị tật dính thắng lưỡi, từ đó biết được cách điều trị phù hợp.