TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Nha sĩ Nhân và 44 chuyến đi tình nguyện

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 2,422
Tôi đã gặp anh trong chuyến đi của đoàn bác sĩ, sinh viên trường ĐH Y Dược TP.HCM và bệnh viện Chợ Rẫy về Quảng Nam, Thừa Thiên Huế khám chữa bệnh cho bà con vùng lũ lụt năm 1999. Đó là lần tình nguyện thứ 33 của anh. Còn đến nay (2001) đã có 44 lần tham gia những chuyến tình nguyện như thế.

Võ Văn Nhân sinh năm 1972, là sinh viên khoa Răng Màm Mặt Trường ĐH Y Dược TP.HCM khóa 1991 - 1997. Ngay từ khi là SV năm I, anh đã có "máu" tham gia công tác xã hội. Năm nào anh cũng đi không dưới 4 lần. Những lần mới theo đoàn khám chữa bệnh cho bà con vùng xa xôi, hẻo lánh (ngoại thành hoặc các tỉnh) Nhân chỉ được làm mỗi nhiệm vụ phát thuốc theo toa. Học cao hơn một chút, khoảng năm 3 năm 4, anh được phân chia loại thuốc. Đến năm 5, những bác sĩ thực tập như anh được cầm kim nhổ răng cho bệnh nhân. "Cái khoảnh khắc ấy vui và hạnh phúc lắm" - nhớ lại, Nhân cười. Anh là người có nụ cười "thường trực" như thế, trong hoạt động phong trào, trong công việc và đặc biệt là đối với bệnh nhân.

Trên chuyến xe về Quảng Nam, Huế năm đó, anh thường kể những câu chuyện tiếu lâm khiến chặng đường dài trên 1.000 km đi liên tục 4 ngày qua nhiều nơi đã làm vơi đi sự mệt mỏi.

Hỏi anh kỉ niệm đáng nhớ nhất sau 44 chuyến đi, anh kể: hồi là SV năm 5, trong chuyến công tác xã hội về Cao Lãnh, Đồng Tháp, Nhân hỏi một em bé đến nhổ răng:

- Cháu mấy tuổi?

- 9 tuổi

Nhân lại hỏi người mẹ:

- Chị bao nhiêu tuổi?

- 19 tuổi (!)

Hỏi đi hỏi lại mãi, chị vẫn một mực bảo mình 19 và đứa con 9 tuổi. Sau một hồi tìm mọi cách "cho ra vấn đề" (chứ không lẽ 10 tuổi sinh con !) thì chị ấy trả lời: "Tui chỉ nhớ lúc tui lấy chồng là 19 tuổi, còn bây giờ bao nhiêu tui không biết".

Chuyện thứ hai ở Cần Giờ, sau khi được Nhân kê toa phát thuốc và dặn dò kĩ lưỡng, chị bệnh nhân về nhà, một lát cầm bịch thuốc ra hỏi lại: "Bác sĩ ơi, thuốc này uống một ngày mấy hột?"

Nói là chuyện cười nhưng nói xong Nhân lại trầm ngâm: "Tại vì bà con mình còn khổ quá mà, tuổi cũng không nhớ, thuốc thì gọi là hột". Anh bộc bạch: "Ban đầu thì minh thích và đi. Sau đi mới thấy người dân khổ thế nào". Những chuyến công tác xã hội luôn luôn làm việc trong điều kiện thiếu thốn y cụ. Anh cho rằng đó là cơ hội để mình và những người tình nguyện được thử thách, dễ thích ứng với hoàn cảnh. Nơi đó khó về vật chất nhưng lại không thiếu những tấm lòng.

Có lẽ vì lẽ đó, khi làm Bí thư Đoàn khoa Răng Hàm Mặt (từ năm 1999), anh lại tổ chức những chuyến lên rừng, xuống biển cho đoàn viên, SV của khoa. Chỉ riêng năm học 1999 - 2000, Đoàn khoa Răng Hàm Mặt đã có 11 chuyến công tác xã hội khám, nhổ răng, chữa răng, phát kem, bàn chải đánh răng, hướng dẫn vệ sinh răng miệng cho hơn 1165 bệnh nhân ở nhiều miền đất nước. Một thú vui nho nhỏ của người Bí thư Đoàn khoa này là chụp ảnh. Bất cứ chuyến công tác hay sinh hoạt, cắm trại nào anh đều ghi lại những bức ảnh cho mình, cho bạn bè, cho khoa. Mở cuốn album của anh, không tấm nào anh không chú thích bằng những câu rất dí dỏm: "Thà té chứ không thua" (ảnh thi kéo co), "Á, kẹp chân tui rồi" (ảnh nhảy sạp), "Là bưng í a...bưng nàng, anh bưng nàng...chạy thi" (ảnh trò choi hai nam khiêng một nữ chạy). Riêng với những tấm khám nhổ răng, anh chú thích rất cẩn thận "Nhổ răng cho bà con ở..." với những ngày tháng rất cụ thể.

Quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam, song nhiều lần công tác về quê anh cũng chỉ kịp ghé vội qua nhà, hỏi thăm sức khỏe các cụ là khoác chiếc áo blouse trắng đến với người dân.

Đi hoài vậy không sợ vợ bỏ à? "Tụi mình học cùng khóa, làm cùng nghề nên dễ thông cảm nhau. Bà xã luôn là người động viên, ủng hộ mình hết lòng trước và sau những chuyến đi" - Nhân lại cười.

ĐẶNG TƯƠI

(Báo Tuổi Trẻ, thứ sáu, ngày 2/3/2001)