Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Nhân và ekip thực hiện ca phẫu thuật
Sau 5 tháng được Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Văn Nhân phẫu thuật dời dây thần kinh (*) để trồng lại răng, bệnh nhân Nguyễn Văn Lượm đã hoàn toàn bình phục và có thể nhai tốt những thức ăn dai và cứng.
(*) Các thủ thuật/phẫu thuật phức tạp sẽ được chuyển qua bệnh viện để thực hiện
Trường hợp này đã được bác sĩ Võ Văn Nhân báo cáo tại Hội nghị cấy ghép nha khoa do Hội Cấy ghép nha khoa TP.HCM tổ chức vào ngày 10.11.2013.
Kỹ thuật dời thần kinh chỉ được thực hiện ở một số nước có nền y tế phát triển. Đến thời điểm hiện nay, theo y văn thế giới có khoảng 44 bác sĩ đã thực hiện và xuất bản trên các tạp chí khoa học về kỹ thuật dời dây thần kinh để trồng răng implant.
Thành công này sẽ mang lại niềm hy vọng cho những bệnh nhân bị mất răng, đặc biệt là trong những trường hợp phức tạp mà kỹ thuật trồng răng cổ điển không thực hiện được. Đây cũng có thể xem là một bước phát triển mới của ngành implant nha khoa Việt Nam.
Niềm hy vọng cho những bệnh nhân bị tiêu xương hàm và mất răng
Bệnh nhân Nguyễn Văn Lượm (59 tuổi, TP.HCM) - người đã được bác sĩ Nhân phẫu thuật dời dây thần kinh (*) để trồng lại răng cho biết, hàm răng vừa được làm rất vững chắc, không di động, ăn nhai tốt và hoàn toàn không đau, đặc biệt có thể ăn được tất cả các loại thức ăn mà ông yêu thích.
Ông Lượm kể, 40 năm trước ông bị đạn bắn vỡ xương hàm dưới bên trái, mất toàn bộ răng và phải đeo hàm răng giả tháo lắp trong từng ấy năm. Đến nay, hàm răng giả ngày càng lỏng lẻo và di động trong miệng do vậy rất khó nhai.
Bác sĩ Nhân cho biết:
“Khi thăm khám tôi thấy xương hàm dưới bị tiêu trầm trọng, sống hàm dưới xuống thấp ngang mức sàn miệng. Mô trên sống hàm rất lỏng lẻo, hoàn toàn không có nướu sừng hóa. Những trường hợp như ông Lượm rất phổ biến ở Việt Nam vì bệnh nhân thường mất răng sớm và mang hàm giả tháo lắp trong nhiều năm”.
Theo bác sĩ Nhân, một trong những vấn đề thường gặp ở bệnh nhân bị tiêu xương hàm trầm trọng có chỉ định đặt implant là thiếu thể tích xương, đặc biệt trong vùng giải phẫu liên quan đến thần kinh răng dưới.
Trường hợp của ông Lượm, qua khảo sát phim X-quang cắt lớp và sử dụng phần mềm để tái lập lại cấu trúc 3 chiều của xương hàm cho thấy: có sự tiêu xương hàm dưới trầm trọng, thần kinh răng dưới có lộ trình bất thường kéo dài từ bên phải băng qua đường giữa và sang bên trái.
Thậm chí thần kinh lộ trên sống hàm ở một vài vị trí nên không thể cấy implant theo kỹ thuật thông thường. Chiều cao xương từ đỉnh sống hàm đến thần kinh răng dưới chỉ còn 1 - 2 mm không đủ để cấy implant có chiều dài thích hợp (10 mm) và an toàn (nguyên tắc là implant phải cách thần kinh 2 mm).
Trường hợp của ông Lượm, nếu đặt implant thì sẽ làm đứt dây thần kinh, còn các phương pháp cải thiện chiều cao xương như ghép xương theo chiều dọc, kéo giãn xương, dùng implant ngắn hay đặt implant ở vùng cằm đều được tính toán nhưng không thể thực hiện được, đồng nghĩa với việc ông sẽ không có răng trong suốt quãng đời còn lại.
Để giải quyết việc trồng lại răng cho ông Lượm, một giải pháp khả thi là phẫu thuật dời dây thần kinh để cấy implant (*) và thực hiện hàm răng trên implant (*).
Đột phá mới trong ngành implant nha khoa Việt Nam: Trồng được răng nhờ phẫu thuật dời dây thần kinh - ảnh 2
Dựa trên kỹ thuật của Jensen O, bác sĩ Nhân và ê kíp của mình đã thực hiện phẫu thuật di chuyển thần kinh răng dưới, đồng thời cắt một đoạn xương chậu rồi ghép vào hàm dưới để làm tăng chiều cao xương và đặt 4 implant (*). Toàn bộ ê kíp mổ đã làm việc tập trung cao độ để hoàn thành ca phẫu thuật kéo dài trong 5 tiếng.
Bên cạnh đó bác sĩ Nhân cũng lấy nướu từ vùng khẩu cái xương hàm trên ghép vào sống hàm xương hàm dưới để cải thiện tình trạng mô nướu quanh implant (*), đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự thành công lâu dài của implant. Toàn bộ quá trình điều trị được hoàn thành trong vòng 5 tháng.
(*) Các thủ thuật/phẫu thuật phức tạp sẽ được chuyển qua bệnh viện để thực hiện
Thế mạnh của kỹ thuật dời thần kinh
Thế mạnh lớn nhất của kỹ thuật dời thần kinh là áp dụng trong những trường hợp phức tạp mà các giải pháp ghép xương và cấy ghép implant thông thường không thể thực hiện được.
Kỹ thật này được xem như là giải pháp cứu cánh sau cùng cho những bệnh nhân mất răng và bị tiêu xương trầm trọng để có được hàm răng thẩm mỹ và chức năng.
Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn có ưu điểm hạn chế bị chấn thương vĩnh viễn thần kinh do những nỗ lực đặt implant khi chiều cao xương không cho phép. Do vậy kỹ thuật này có tính ứng dụng cao phù hợp với tình trạng mất răng và đeo hàm giả lâu năm ở bệnh nhân Việt Nam.
Ngoài kỹ thuật này cũng có những nhược điểm như tê môi, thường là tạm thời (6 tháng đến 1 năm) nhưng cũng có một số ít trường hợp là vĩnh viễn, phụ thuộc vào phương tiện sử dụng và kỹ năng của bác sĩ. Do vậy, kỹ thuật này chỉ được thực hiện với những bác sĩ có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng tốt.
Đột phá mới trong ngành implant nha khoa Việt Nam
Theo PGS-TS Lê Văn Sơn - Trưởng khoa Phẫu thuật và Tạo hình hàm mặt Bệnh viện Răng Hàm Mặt T.Ư Hà Nội, ngành implant nha khoa tại Việt Nam mới phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây và cũng đã có những bước tiến bộ nhất định, tuy nhiên chưa để lại dấu ấn gì đáng kể.
Ca phẫu thuật dời thần kinh răng dưới và cấy ghép implant (*) do bác sĩ Nhân thực hiện là một tín hiệu đáng mừng cho ngành cấy ghép implant nha khoa Việt Nam.
“Bác sĩ Nhân đã thực hiện ca phẫu thuật phối hợp cùng lúc 4 kỹ thuật chuyên sâu bao gồm: dời thần kinh răng dưới, ghép xương mào chậu theo chiều dọc, ghép nướu sừng hóa toàn hàm dưới và phục hình răng implant (*).
Đây là ca phẫu thuật mang tính đột phá bởi bệnh nhân đã được cải tạo cả về xương, về phần mềm và đặc biệt là phục hồi lại chức năng nhai gần như bình thường”, PGS-TS Lê Văn Sơn nói.
(*) Các thủ thuật/phẫu thuật phức tạp sẽ được chuyển qua bệnh viện để thực hiện
Nguồn theo báo Thanh Niên xem tại link: https://thanhnien.vn/dot-pha-moi-trong-nganh-implant-nha-khoa-viet-nam-trong-duoc-rang-nho-phau-thuat-doi-day-than-kinh-1858600.htm