TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Nướu là gì? Có cấu tạo ra sao và đảm nhận chức năng nào?

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 7,708
Nướu là gì? Cấu tạo như thế nào và chức năng ra sao? Là câu hỏi được đặt ra bởi không ít người. Đây là một bộ phận đảm nhận nhiều chức năng quan trọng trong khoang miệng và nếu bạn đang muốn tìm hiểu về nướu thì bài viết sau đây chắc chắn sẽ rất hữu ích với bạn, tham khảo ngay nhé.

Nướu là gì? Nướu là vùng niêm mạc bao phủ chân răng trong khoang miệng, còn có tên gọi khác là lợi, chúng có chức năng che chở, bảo vệ chân răng, giữ cho răng đứng vững trên cung hàm. Nướu răng có cấu tạo bao gồm 2 phần chính là nướu dính và nướu tự do.

Nướu là gì? Chức năng ra sao?

Nướu là phần niêm mạc bao phủ chân răng hàm dưới và hàm trên trong khoang miệng. Chúng có cấu tạo rắn chắc và trên bề mặt thường có những chấm nhỏ màu da cam.

Hầu hết tất cả mô nướu đều bám chắc vào khung xương hàm, giúp răng và những bộ phận khác trong miệng tránh được sự ma sát khi nhai thức ăn.

Trong khoang miệng, chúng có ý nghĩa cực kì quan trọng:

  • Nâng đỡ răng và giúp răng đứng vững trên khuôn hàm.
  • Là bộ phận hình thành nên mô nha chu.

Cấu tạo của nướu

Cấu tạo của nướu răng

Về cấu tạo, nướu được phân chia thành 2 phần là nướu tự do và nướu dính:

Nướu tự do (còn gọi là nướu rời)

Đây là mô nướu bao xung quanh cổ răng và không dính liền với răng, chúng được ngăn cách với nướu dính bằng một rãnh nhỏ (gọi là rãnh nướu dời). Phần nướu tự do có bề rộng khoảng 1mm và hình thành nên vách mềm của khe nướu.

Khe nướu là một rãnh nhỏ hình chữ V, là nơi tiếp xúc giữa nướu tự do và mặt răng. Khe nướu này có thể sâu tới 3,5mm với cấu tạo bao gồm 2 vách là vách cứng và vách mềm.

Gai nướu (nướu kẽ răng) là phần nướu có hình tháp nằm giữa hai răng liên tiếp. Nếu gai nướu quá lớn hoặc không có gai sẽ làm kẽ răng bị hổng, gây ứ đọng thức ăn, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, tích tụ, hình thành các bệnh lý nha chu.

Nướu dính

Đây là vùng nướu tiếp theo sau phần nướu tự do, có chiều rộng khoảng 0,5 đến 6mm. Nướu dính sẽ bám chắc vào răng và không có khả năng di chuyển, không thay đổi cấu tạo cũng như vị trí dưới sự tác động của lực ăn nhai.

Một số bệnh lý về nướu thường gặp phải

Một bệnh lý về nướu thường gặp phải

Chúng ta đã biết nướu là gì cũng như những chức năng quan trọng của nướu. Khi xảy ra bệnh lý, nướu thường có sự thay đổi về màu sắc, kèm theo đó là hiện tượng phù nề, dễ chảy máu. Và dưới đây là một số bệnh lý thường gặp phải liên quan đến nướu răng:

Viêm nướu

Viêm nướu là bệnh lý xảy ra khi nướu bị kích ứng, sưng tấy và mẩn đỏ do sự tác động của vi khuẩn trú ngụ trong các mảng bám tích tụ lâu ngày trên răng.

Đây là hiện tượng rất dễ gặp phải và được coi như bệnh nha chu giai đoạn nhẹ. Khi bị viêm nướu, bạn sẽ cảm thấy cực kì khó chịu và mất đi sự tự tin trong giao tiếp.

Viêm nha chu

Viêm nha chu là hiện tượng nhiễm trùng ở nướu lan dần xuống cấu trúc phía dưới mô nha chu. Khi bệnh tiến triển nặng, nướu có thể không còn khả năng bám dính vào răng, làm tăng nguy cơ hình thành túi nha chu và tiêu biến xương ổ răng.

Chảy máu nướu

Chảy máu nướu răng hay chảy máu chân răng là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã mắc phải các chứng bệnh răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu,… Tình trạng này gây ra khá nhiều tác hại đối với sức khỏe răng miệng.

Nếu triệu chứng chảy máu hoặc sưng viêm diễn ra trong thời gian dài, bạn có thể gặp phải nhiều biến chứng nặng nề như rụng răng, lung lay răng,… Nếu tình trạng chảy máu chân răng càng diễn biến nặng, lâu ngày thì việc điều trị càng khó, càng tốn kém và thời gian phục hồi càng lâu.

Một số vấn đề cần chú ý để răng miệng luôn khỏe mạnh

Nguyên nhân dẫn tới viêm nướu và các bệnh lý nha chu chủ yếu là do vi khuẩn, mảng bám. Vì vậy, để giữ cho nướu răng luôn khỏe mạnh, bạn cần:

  • Vệ sinh răng miệng mỗi ngày, chải răng tối thiểu 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối.
  • Làm sạch kẽ răng sau khi ăn với chỉ nha khoa.
  • Cạo vôi răng định kì sau mỗi 6 tháng.
  • Khám răng định kì 1 – 2 lần mỗi năm để phát hiện và điều trị kịp thời mọi bệnh lý liên quan đến nướu và răng miệng.

Xem thêm: Nguyên nhân chảy máu chân răng và cách khắc phục

Nên cạo vôi răng định kì để giữ nướu răng khỏe mạnh

Trên đây là các thông tin tham khảo cho những ai đang băn khoăn chưa rõ nướu là gì cũng như cấu tạo và chức năng của nướu. Việc bảo vệ và duy trì nướu răng khỏe mạnh cực kì quan trọng, do đó khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường, bạn nên tới phòng khám nha khoa gần đây để thăm khám và chữa trị kịp thời.