Sâu răng là tình trạng vi khuẩn tấn công và phá hủy lớp men bảo vệ răng, khiến cho răng không còn giữ được sự nguyên vẹn ban đầu. Kéo theo đó là làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai cũng như thẩm mỹ của răng.
Theo các chuyên gia, những thói quen xấu như chế độ ăn có chứa nhiều đường, ăn vặt thường xuyên, hay vệ sinh răng miệng không đúng cách chính là nguyên nhân gây ra sâu răng. Nếu không được chữa trị sớm, các lỗ sâu răng sẽ phát triển ngày càng lớn hơn và có thể gây ra nhiều vấn đề với sức khỏe răng miệng.
Răng bị sâu gây ra những tác hại gì?
Gây đau răng dữ dội và kéo dài
Những ai đã từng trải qua những cơn đau răng sâu rồi hẳn sẽ không bao giờ quên được. Ban đầu khi răng mới sâu, các cơn đau răng vẫn là tương đối nhẹ, bạn sẽ chỉ cảm thấy hơi ê buốt khi gặp nhiệt độ nóng lạnh.
Tuy nhiên, nếu để lâu ngày không chữa trị khiến răng sâu nặng hơn, mật độ và mức độ của các cơn đau răng sẽ dày hơn, cản trở đến sinh hoạt và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Gây ra các bệnh lý liên quan đến răng miệng nguy hiểm
Sâu răng nặng nếu không được chữa trị có thể lây lan vào ống tủy, gây ra viêm tủy cấp và thậm chí gây hoại tử.
Phần tủy bị hoại tử sẽ lây lan sang các bộ phận xung quanh, khiến bạn còn chịu thêm nhiều bệnh lý nguy hiểm khác như u hạt, viêm xương hàm, nang chân răng,…
Xem thêm: Phòng ngừa bệnh sâu răng thế nào cho hiệu quả?
Gây hôi miệng
Sâu răng nặng còn là nguyên nhân chính khiến hơi thở có mùi khó chịu. Khi hơi thở không được “thơm tho”, bạn sẽ cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp, từ đó ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Sâu răng là một trong những nguyên nhân gây hôi miệng
Mất thẩm mỹ
Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, sâu răng nặng còn gây tác động đến cả thẩm mỹ. Bởi khi tình trạng răng sâu đã trở nên nghiêm trọng, các lỗ sâu sẽ rất to khiến cho răng bị đen, vỡ và cực kỳ dễ phát hiện trong quá trình giao tiếp bình thường.
Có nên nhổ răng hàm bị sâu không?
Khi bị sâu răng chúng ta thường nghĩ đến việc phải nhổ bỏ răng sâu. Liệu có phải cứ bị sâu răng thì phải nhổ bỏ? Trên thực tế, có nên nhổ răng hàm bị sâu đi không tùy thuộc vào tình trạng sâu răng.
Trong điều trị nha khoa luôn ưu tiên việc giữ gìn cấu trúc răng thật ở mức tối đa. Chỉ với trường hợp nếu răng gặp phải vấn đề quá nghiêm trọng thì mới bắt buộc phải nhổ. Răng hàm đóng vai trò ăn nhai chính trên cung hàm.
Nhổ răng hàm sẽ dẫn đến tình trạng mất răng, ảnh hưởng đến khả năng ăn nhai, phát âm và sức khỏe răng miệng sau này.
Thông thường, khi răng sâu nhưng chưa bị lung lay, ăn mòn nhiều thì có thể sử dụng các biện pháp như: trám răng sâu, bọc sứ cho răng sâu... Khi răng sâu đã bị ăn mòn hết men răng khiến răng lung lay, gây ảnh hưởng sang các răng khác thì nên nhổ bỏ.
Làm gì khi răng hàm bị sâu?
Khi phát hiện ra các dấu hiệu sâu răng hàm, bạn nên đi kiểm tra để biết chính xác răng hàm bị sâu có nên nhổ bỏ không? Dựa trên mức độ sâu của răng, bác sĩ sẽ có biện pháp xử lý phù hợp nhất.
Răng hàm sâu nhẹ
Trường hợp răng hàm có lỗ sâu nhưng mới hình thành thì không nên nhổ răng. Phương pháp điều trị hiệu quả nhất là trám lại các lỗ sâu răng. Các phần sâu được lấy sạch, thay vào đó là chất liệu để trám vào các lỗ hổng.
Có trường hợp bị sâu răng hàm có lỗ lớn làm ảnh hưởng đến mô răng và tủy, răng cần phải được điều trị viêm tủy hoặc lấy tủy răng trước khi trám lại. Nếu lỗ sâu răng quá to, miếng hàn răng sẽ dễ bị bong tróc, tái phát sâu răng. Lúc này, biện pháp hợp lý nhất chính là bọc sứ cho răng sâu.
Đối với răng hàm bị sâu nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành trám răng hoặc bọc sứ răng hàm
Trường hợp răng hàm bị sâu nặng
Răng hàm bị sâu nặng gây viêm tủy, phá hủy mô răng. Có trường hợp sâu răng đã ăn gần hết răng, gây hoại tử tủy, viêm nhiễm nặng, chân răng lung lay và có nguy cơ ảnh hưởng đến các răng bên cạnh. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định bạn cần nhổ răng hàm bị sâu.
Như vậy, răng hàm bị sâu có nên nhổ đi không? Các trường hợp răng hàm bị sâu nhẹ không cần thiết phải nhổ răng. Ngoại trừ các trường hợp răng bị sâu quá nặng bắt buộc phải nhổ thì bảo tồn răng thật vẫn luôn là ưu tiên tại các phòng khám nha khoa.