TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Nhiệt lưỡi: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 400
Nhiệt lưỡi là tình trạng khá phổ biến, hầu hết là lành tính, không gây nguy hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, tình trạng này lại khiến người bệnh bị đau rát, ảnh hưởng đến ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Cùng theo dõi bài viết sau để biết nguyên nhân và cách điều trị nhiệt lưỡi hiệu quả nhé.

Nhiệt lưỡi là những vết loét có màu đỏ hoặc trắng xuất hiện ở lưỡi. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, tuy không nguy hiểm đến sức khỏe nhưng lại gây nhiều cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến ăn uống và sinh hoạt của người bệnh.

Nguyên nhân gây nhiệt lưỡi thường là do những tổn thương ở lưỡi, vệ sinh răng miệng kém, ăn uống thiếu lành mạnh, chức năng gan bị suy giảm, tác dụng phụ của thuốc điều trị, căng thẳng kéo dài,... Để điều trị nhiệt lưỡi, bạn có thể sử dụng thuốc hoặc thăm khám tại cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn cụ thể.

Nhiệt lưỡi là gì?

Nhiệt lưỡi là tình trạng niêm mạc lưỡi xuất hiện các vết loét hình tròn hoặc hình oval có màu trắng sữa với viền đỏ xung quanh. Những vết loét này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành từng đám, gây đau rát, ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống. Trong hầu hết trường hợp, nhiệt lưỡi sẽ tự khỏi sau 7 - 10.

Tình trạng nhiệt lưỡi

Bên cạnh triệu chứng đau rát, nhiệt lưỡi còn gây ra các triệu chứng như khô miệng, khát nước liên tục, tê lưỡi, ngứa lưỡi, vị giác kém,... Khi vết loét hết sưng và kích thước được thu nhỏ lại, các triệu chứng này sẽ giảm dần.

Nguyên nhân gây nhiệt lưỡi

Nguyên nhân gây nhiệt lưỡi đến nay vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến lưỡi xuất hiện các vết loét, cụ thể như:

Cắn vào lưỡi, tổn thương ở lưỡi

Lưỡi bị tác động gây tổn thương hay bạn vô tình cắn vào lưỡi cũng có thể hình thành nhiệt lưỡi. Nguyên nhân là bởi vết thương có thể bị lở loét, nhiễm trùng và bị viêm do tác động của nước bọt cũng như môi trường ẩm trong khoang miệng.

Cắn vào lưỡi có thể gây tổn thương, hình thành nhiệt lưỡi

Vệ sinh răng miệng kém

Nếu bạn không chú trọng vấn đề vệ sinh răng miệng, chải răng không đều đặn, thức ăn thừa còn tồn đọng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển. Các vi khuẩn này có thể tấn công vào vùng niêm mạc lưỡi và gây ra viêm, lở loét.

Ăn uống thiếu khoa học

Việc thường xuyên ăn những thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, hay sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, coffee,... có thể khiến niêm mạc lưỡi bị kích thích và bị viêm nhiễm, hình thành vết loét.

Thiếu hụt dinh dưỡng

Nhiệt lưỡi có thể xuất hiện ở những người bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng như: vitamin B9, vitamin B12, vitamin C, sắt, kẽm, các loại axit amin,...

Việc thiếu hụt các chất dinh dưỡng có thể gây nhiệt lưỡi

Chức năng gan bị suy giảm

Gan đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải các độc tố trong cơ thể. Khi chức năng này của gan bị suy giảm sẽ khiến cơ thể tích tụ nhiều độc tố. Điều này có thể tác động tiêu cực đến nhiều vị trí trong khoang miệng, trong đó có niêm mạc lưỡi.

Tác dụng phụ của thuốc điều trị

Những bệnh nhân đang sử dụng các nhóm thuốc kháng viêm không chứa steroid, thuốc điều trị ung thư, hay đang điều trị bằng xạ trị,... trong thời gian dài có thể bị nhiệt lưỡi. Tình trạng này có thể tái đi tái lại nhiều lần.

Căng thẳng kéo dài hay hormone bị thay đổi

Căng thẳng kéo dài có thể khiến cơ thể có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là hormone và hệ miễn dịch. Từ đó có thể gây ra vết loét ở lưỡi và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Căng thẳng kéo dài cũng là nguyên nhân dẫn đến loét ở lưỡi

Ngoài ra, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt hay mang thai cũng có những thay đổi trong hormone và gây ra nhiệt lưỡi, các bệnh răng miệng như viêm nướu, chảy máu chân răng,...

Xem thêm: Đau quai hàm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Nhận biết nhiệt lưỡi qua hình ảnh

Để dễ dàng nhận biết nhiệt lưỡi và có cách điều trị sớm, bạn có thể tham khảo một số hình ảnh nhiệt lưỡi dưới đây.

Hình ảnh trẻ bị nhiệt lưỡi

Vết loét xuất hiện bên dưới lưỡi

Nhiệt lưỡi tạo một hình tròn trên lưỡi

Nhiệt lưỡi gây đau rát, ăn uống khó khăn

Hình ảnh nhiệt lưỡi ở vùng đầu lưỡi

Cách điều trị nhiệt lưỡi hiệu quả

Nhiệt lưỡi đa phần sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, để giúp những vết loét ở lưỡi nhanh chóng biến mất, xóa tan cơn đau rát và ăn uống ngon miệng hơn, bạn có thể áp dụng các cách điều trị dưới đây.

Dùng thuốc điều trị

Để giúp vết loét ở lưỡi nhanh chóng lành lại, giảm tỷ lệ tái phát, bạn có thể áp dụng một số loại thuốc kháng viêm tại chỗ như: Fluocinonide, Beclomethasone hay Hydrocortisone hemisuccinate,...

Bên cạnh đó, để giảm đau và giảm thời gian loét lưỡi, các loại thuốc kháng sinh tại chỗ hoặc toàn thân cũng có thể được sử dụng như Tetracyclin và Minocyclin. Vì nguyên nhân gây nhiệt lưỡi có thể do một số tác nhân lây nhiễm chưa được phát hiện.

Sử dụng thuốc điều trị nhiệt lưỡi theo chỉ định của bác sĩ

Dùng gel điều trị

Hiện nay, để điều trị nhiệt lưỡi, rất nhiều người sử dụng các loại gel bôi tại chỗ. Các loại gel này có tác dụng giảm viêm, làm lành các vết loét một cách nhanh chóng, đồng thời giảm đau, khó chịu do nhiệt lưỡi gây ra. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi sử dụng sản phẩm này cho trẻ em vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của men răng.

Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng

Khi bị nhiệt lưỡi, cảm giác đau rát khiến nhiều người lười vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, đây là thời điểm mà bạn cần chú trọng việc vệ sinh răng miệng đúng cách, kết hợp sử dụng nước súc miệng, chỉ nha khoa để loại bỏ sạch các vụn thức ăn, tiêu diệt các vi khuẩn gây hại, giúp những tổn thương vùng lưỡi nhanh chóng được phục hồi.

Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng

Nếu tình trạng nhiệt lưỡi kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để khám và tư vấn điều trị.

Bị nhiệt lưỡi nên và không nên ăn gì?

Nhiệt lưỡi gây đau rát, khó chịu, ảnh hưởng đến việc ăn uống hàng ngày. Do đó, bạn nên chú trọng đến vấn đề ăn uống, chú ý đến những thực phẩm nên và không nên ăn.

Những thực phẩm nên ăn khi bị nhiệt lưỡi

Khi bị nhiệt lưỡi, bạn nên ăn những thực phẩm sau:

  • Sữa chua: Sữa chua có chứa lợi khuẩn Lactobacillus không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa mà còn có tác dụng làm lành vết thương nhanh chóng. Do đó, bạn có thể ăn sữa chua hàng ngày để vết loét ở lưỡi mau lành.
  • Bột sắn dây: Bột sắn dây có tính mát, giúp làm dịu các cơn đau do nhiệt lưỡi gây ra. Đây cũng là sản phẩm chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Sử dụng bột sắn dây để trị nhiệt lưỡi là bài thuốc được ông bà ta áp dụng tư xưa và lưu truyền cho đến ngày nay.

Bột sắn dây có tính mát, giúp làm dịu cơn đau do nhiệt lưỡi gây ra

  • Các loại đậu: Các loại đậu như đậu xanh, đậu đen,... có tính mát, giúp thanh nhiệt và giải độc cơ thể, từ đó làm giảm nhanh các triệu chứng của nhiệt lưỡi.
  • Các loại rau xanh: Rau xanh như rau ngót, rau má,... chứa rất nhiều vitamin giúp làm mát cơ thể, vết loét mau lành lại.

Những thực phẩm nên kiêng khi bị nhiệt lưỡi

Để vết loét ở lưỡi không lan rộng, bạn cần tránh các thực phẩm sau:

  • Thức ăn cay nóng: Các loại thức ăn cay nóng như ớt, tiêu,... có thể gây kích ứng niêm mạc lưỡi, từ đó khiết vết loét lan rộng hơn, sưng đau và lâu lành hơn.
  • Trái cây chứa nhiều axit: Axit trong các loại trái cây như cam, bưởi, chanh, quýt,... có thể khiến vết loét sâu hơn, lâu lành hơn, thậm chí còn làm xuất hiện các vết loét mới.

Trái cây chứa nhiều axit nên kiêng khi bị nhiệt lưỡi

  • Cafe: Trong cafe có chứa axit salicylic, có thể khiến các mô nhạy cảm trong miệng bị kích ứng, nhất là vùng lưỡi bị loét. Do đó, khi bị nhiệt ở lưỡi, bạn nên tránh xa cafe.

Cách phòng ngừa nhiệt lưỡi

Để không phải chịu cảm giác đau rát, khó khăn khi ăn uống và nói chuyện, bạn nên chủ động phòng ngừa nhiệt lưỡi bằng các biện pháp dưới đây:

  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ bằng bàn chải lông mềm, đầu nhỏ và kem đánh răng có chứa fluor. Kết hợp sử dụng thêm máy tăm nước, chỉ nha khoa, nước súc miệng để loại bỏ sạch vụn thức ăn, làm sạch khoang miệng toàn diện.
  • Chú ý không sử dụng các sản phẩm vệ sinh răng miệng có chứa các thành phần gây dị ứng.
  • Ngủ đủ giấc để giúp cơ thể phục hồi năng lượng, luôn giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp thư giãn như thiền, yoga,...

Tập yoga giúp cơ thể khỏe mạnh, giảm căng thẳng hiệu quả

  • Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,... để không làm tổn thương niêm mạc miệng.
  • Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, sắt, kẽm vào chế độ ăn uống hàng ngày. Bạn có thể tìm thấy các chất dinh dưỡng này trong các thực phẩm như: các loại thịt đỏ (bò, lợn, cừu), thịt gà, hải sản, trứng, các loại hạt, các loại đậu, rau xanh,...
  • Nên ăn uống chậm rãi để không cắn trúng lưỡi tạo vết thương dẫn đến nhiệt lưỡi. Ngoài ra, việc ăn chậm rãi còn giúp thức ăn được nghiền nát kỹ hơn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, bạn cũng có thể cảm nhận được đầy đủ hương vị của món ăn hơn.
  • Uống nhiều nước, ít nhất 2 lít/ngày để giữ ẩm cho niêm mạc miệng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa, đào thải độc tố, loại bỏ các vi khuẩn và các chất gây kích ứng, viêm nhiễm.

Uống nhiều nước là rất cần thiết để phòng ngừa nhiệt lưỡi

Như vậy, bài viết trên đã tổng hợp những thông tin về tình trạng nhiệt lưỡi. Mặc dù khá lành tính nhưng nhiệt lưỡi thường tái phát và ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt của người bệnh. Do đó, khi vết loét ở lưỡi lâu lành, bạn nên thăm khám ngay để có cách điều trị kịp thời.

Nếu cần tư vấn thêm thông tin về tình trạng này, hãy liên hệ ngay đến Nha khoa Nhân Tâm - Địa chỉ nha tốt ở Sài Gòn, các chuyên gia sẽ hỗ trợ nhanh nhất có thể.