TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Khoang miệng bình thường như thế nào? Cấu tạo và chức năng

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 1.212
Khoang miệng đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của con người, là nơi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, không khí và các tác nhân từ bên ngoài khác. Vậy khoang miệng bình thường là như thế nào? Khoang miệng có cấu tạo và chức năng ra sao? Hãy cùng tìm câu trả lời qua bài viết sau.

Khoang miệng bình thường, không mắc bệnh lý thường sẽ có màu hồng nhạt. Vòm họng, lưỡi, phần thịt phía trong má không có những biểu hiện như sưng viêm, lở loét, mụn nước. Bên cạnh đó, khoang miệng bình thường là khi bạn ăn, uống hay nuốt nước bọt đều không có cảm giác đau rát.

Khoang miệng nếu có vấn đề sẽ tiềm ẩn nhiều các bệnh lý như: viêm loét miệng, nhiệt miệng, mụn rộp, nhiễm nấm,... Khi có những dấu hiệu bất thường ở khoang miệng, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa về tai mũi họng uy tín để được bác sĩ thăm khám và điều trị triệt để.

Khoang miệng bình thường là như thế nào?

Khoang miệng là bộ phận nằm ở nửa dưới của khuôn mặt, giữa mũi và cằm. Khoang miệng là một phần của hệ tiêu hóa và hệ hô hấp, vì thế đóng vai trò vô cùng quan trọng đến sức khỏe tổng thể, có chức năng ăn, nói và thở.

Cấu tạo của một khoang miệng bình thường sẽ bao gồm các bộ phận sau:

Môi

Môi được cấu tạo bởi mô cơ, mô tuyến và các dây thần kinh. Bên trong là lớp niêm mạc miệng và bên ngoài được bao bọc bởi da. Giao giữa môi trên và môi dưới là 2 bên góc miệng, khi khép miệng, góc miệng sẽ xuất hiện một nếp gấp mỏng, được gọi là khóe miệng hay khóe mép.

Môi rất mềm, có thể chuyển động được và có thể mở ra để nhận thức ăn hay cử động khi nói chuyện. Da môi rất mỏng, chỉ có từ 3 - 5 lớp tế bào, so với da mặt thì có 16 lớp tế bào. Môi không có lông.

Môi mềm, có thể chuyển động được và mở ra để nhận thức ăn

Môi có nhiều chức năng quan trọng, giúp bảo vệ răng và nướu khỏi bụi bẩn cũng như vi khuẩn từ bên ngoài. Đồng thời giúp nhai và nuốt thức ăn, giúp phát âm, thể hiện cảm xúc,...

Má là phần 2 bên mặt, từ miệng đến mang tai. Má được cấu tạo bởi da, cơ và mô mỡ. Da vùng má sẽ mỏng hơn so với da mặt và có nhiều tuyến bã nhờn. Cơ má giúp môi di chuyển và tạo biểu cảm của khuôn mặt. Mô mỡ sẽ giúp giữ ấm và bảo vệ các cơ.

Đáy hành lang

Đáy hành lang là bộ phận nằm ở giữa hàm trên và hàm dưới, có nếp gấp niêm mạc nối liền với niêm mạc môi và xương ổ răng. Nếp gấp này khá mỏng và dài, có hình dạng lưỡi liềm, còn được gọi là thắng môi.

Ở hai bên răng nanh và răng cối nhỏ ở hàm trên và hàm dưới cũng có nếp gấp tương tự, gọi là thắng bên, trong đó thắng bên hàm dưới sẽ to và dày hơn so với thắng bên hàm trên.

Răng

Răng là những cấu trúc cứng nằm trong khoang miệng, được cấu tạo bởi men răng, ngà răng và tủy răng. Men răng được đánh giá là lớp cứng nhất trong cơ thể con người, nằm ở ngoài cùng của răng. Ngà răng nằm dưới men răng, mềm hơn men răng nhưng sẽ cứng hơn tủy răng. Tủy răng chứa các mạch máu và dây thần kinh, có nhiệm vụ nuôi dưỡng và giúp răng cảm nhận các kích thích từ bên ngoài.

Răng đảm bảo thẩm mỹ, ăn nhai

Một người sẽ trải qua 2 lần mọc răng: răng sữa và răng vĩnh viễn. Răng sữa có tất cả 20 chiếc, chia đều cho cả hàm trên và hàm dưới. Còn răng vĩnh viễn sẽ có tổng cộng 32 chiếc 16 chiếc ở hàm trên và 16 chiếc ở hàm dưới.

Nướu

Nướu còn gọi là lợi, là lớp niêm mạc miệng bao phủ xương ổ răng và cổ răng. Nướu răng khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt, rắn chắc, bề mặt nướu có lấm chấm màu da cam, có thể chia nướu ra làm hai phần là nướu rời và nướu dính.

Nướu răng có nhiệm vụ nâng đỡ răng, giúp răng đứng vững trên cung hàm. Khi nướu bị tổn thương, răng sẽ không thể đứng vững được.

Xương ổ răng

Có thể hiểu đơn giản rằng, xương ổ răng là phần ổ lót của các răng, giúp định hình vị trí chân răng và ổn định răng trên cung hàm. Xương ổ răng có chức năng neo giữ răng, hấp dẫn lực nhai và phân phối lực nhai.

Khẩu cái

khẩu cái là vòm của miệng, có hình dạng vòm cung và có lớp niêm mạc bao phủ, được chia làm hai phần đó là vòm miệng cứng và vòm miệng mềm.

Khẩu cái có dạng vòm cung

Vòm miệng cứng là phần xương phía trước của khẩu cái.

Vòm miệng mềm là phần mô mềm nằm ở phía sau của khẩu cái, có thể di chuyển lên xuống để giúp nuốt thức ăn.

Lưỡi

Khoang miệng bình thường sẽ có lưỡi màu hồng nhạt, có lớp niêm mạc sần sùi bao phủ bên ngoài. Mặt trên lưỡi được chia làm 2 phần bởi một dãy gồm 8 -9 gai vị giác, xếp thành hình chữ V ngược.

Niêm mạc lưỡi sẽ chứa lympho (amidan lưỡi). Mặt dưới lưỡi sẽ có một lớp niêm mạc mỏng bao phủ, đường giữa lưỡi sẽ có một nếp gấp niêm mạc nối với sàn miệng, gọi là thắng lưỡi.

Lưỡi thường có màu hồng nhạt

2 bên thắng lưỡi sẽ thấy 2 u thịt với nếp gấp niêm mạc mỏng, được độn lên bởi cơ cằm lưỡi. Dưới lưỡi còn có các tĩnh mạch ngoằn ngoèo, có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường.

Tuyến nước bọt

Tuyến nước bọt là những tuyến sản xuất nước bọt, giúp làm ẩm thức ăn, tiêu hóa thức ăn và bảo vệ răng khỏi sự tấn công của vi khuẩn. Có 3 loại tuyến nước bọt chính:

  • Tuyến nước bọt dưới lưỡi: Nằm trên cơ hoành và dưới lưỡi, có kích thước nhỏ nhất trong 3 loại tuyến nước bọt chính. Chức năng chính là làm ẩm khoang miệng, bôi trơn thức ăn và hỗ trợ nuốt.
  • Tuyến nước bọt dưới hàm: Là tuyến nước bọt hỗn hợp, chứa cả dịch nhầy và enzyme, nằm ở giữa cơ 2 bên, trong tam giác dưới hàm. Chức năng chính là tiêu hóa thức ăn (tinh bột), bôi trơn miệng.
  • Tuyến nước bọt mang tai: Đây là tuyến nước bọt có kích thước lớn nhất trong 3 loại tuyến nước bọt chính, nằm trước tai, mỗi bên có một tuyến. Chức năng chính là tiêu hóa thức ăn (đạm, chất béo), duy trì độ pH trong khoang miệng.

Có 3 tuyến nước bọt chính

Hệ thống bạch huyết

Hệ thống bạch huyết bao gồm các mạch và hạch bạch huyết giúp vận chuyển dịch bạch huyết (một chất lỏng chứa các tế bào miễn dịch) khắp cơ thể. Dịch bạch huyết sẽ giúp loại bỏ các chất độc hại, vi khuẩn và tế bào chết ra khỏi cơ thể.

Khoang miệng bình thường không thể thiếu hệ thống bạch huyết. Bởi vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ khoang miệng khỏi nhiễm trùng, đồng thời đóng vai trò duy trì sức khỏe răng miệng.

Chức năng của khoang miệng

Chức năng chính của khoang miệng bao gồm:

Tiêu hóa

Khoang miệng là nơi bắt đầu của hệ thống tiêu hóa. Mỗi bộ phận trong khoang miệng đều đảm nhiệm một vai trò khác nhau, đảm bảo quá trình tiêu hóa thức ăn diễn ra một cách thuận lợi, giúp cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.

Môi và má sẽ giúp cho thức ăn không bị rơi rớt ra ngoài khoang miệng. Lưỡi sẽ giúp cảm nhận mùi vị thức ăn, đồng thời có khả năng chuyển động linh hoạt để đẩy thức ăn ra sau miệng để có thể nuốt được.

Khoang miệng có liên quan mật thiết đến hệ tiêu hóa

Ngoài ra, răng sẽ đóng vai trò cắn xe, nhai nhuyễn thức ăn trước khi đưa xuống dạ dày. Nước bọt chứa các enzyme tiêu hóa tinh bột, protein, chất béo,... và giúp làm ẩm thức ăn để nuốt dễ dàng hơn.

Phát âm

Khoang miệng đóng vai trò quan trọng trong việc phát âm. Không khí thoát ra sẽ đi qua các dây thanh âm trong thanh quản, làm các dây thanh âm rung lên và tạo ra âm thanh. Tùy vào độ kín của dây thanh âm và lực của không khí thoát ra mà thanh âm sẽ khác nhau.

Lưỡi và môi chuyển động sẽ giúp định hình được âm thanh. Các cấu trúc vòm miệng khác như vòm miệng cứng, vòm mềm và mũi cũng góp phần tạo ra âm thanh.

Hô hấp

Mặc dù thở bằng mũi nhưng cũng có sự liên quan đến khoang miệng. Thở mũi sẽ phụ thuộc vào vòm miệng trên và sự phát triển của xương hàm có tốt hay không. Trong nhiều trường hợp, khoang miệng sẽ hỗ trợ thở khi việc thở bằng mũi gặp vấn đề. Tuy nhiên, việc này không được khuyến khích vì sẽ kèm theo những nguy cơ như: khô miệng, viêm họng, viêm amidan,...

Khoang miệng có thể hỗ trợ thở khi việc thở bằng mũi gặp vấn đề

Hỗ trợ thăng bằng, thị giác và thính giác

Cơ thể bị mất cân bằng, mắt và tai hoạt động cũng sẽ kém hơn nếu như lưỡi, xương hàm và hệ thống thần kinh liên quan đến vùng Răng - Hàm - Mặt gặp vấn đề sức khỏe.

Dẫn lưu xoang

Quá trình dẫn lưu xoang với môi trường bên ngoài sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu như vòm miệng phát triển không đúng vị trí, cấu tạo.

Xem thêm: Cách làm bột sắn dây chữa nhiệt miệng đơn giản tại nhà

Các bệnh lý có thể gặp ở khoang miệng

Khoang miệng bình thường sẽ đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, khoang miệng cũng là vị trí dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm, chẳng hạn như:

Nấm miệng

Nấm miệng là bệnh lý gây ra bởi nấm Candida, có thể gặp ở trẻ em và cả người lớn tuổi. Người bệnh khi bị nấm miệng sẽ cảm thấy đau ở lưỡi, vòm họng và cả khoang miệng. Trong khoang miệng cũng sẽ xuất hiện các mảng bám trắng, rất khó để làm sạch bằng phương pháp thông thường.

Bệnh nấm miệng gây ra bởi nấm Candida

Loét miệng

Loét miệng gây ảnh hưởng rất lớn đến việc ăn uống, sinh hoạt của người bệnh. Bệnh sẽ gây ra một số biểu hiện như vết loét ở môi, lưỡi, nướu,... Nguyên nhân có thể do stress, căng thẳng quá mức, bị nhiễm trùng, gặp chấn thương, cơ thể thiếu hụt các vitamin cần thiết, hormone cơ thể bị thay đổi.

Lưỡi lông

Lưỡi lông là tình trạng các nhu biểu mô ở lưỡi sẽ dày và dài hơn bình thường, sau đó chúng sẽ dần chuyển sang màu đen.

Mụn rộp sinh dục

Đây là một bệnh lý xã hội, có thể lây lan dễ dàng qua việc hôn môi, dùng chung đồ với người khác, quan hệ bằng miệng,... Mụn rộp sinh dục sẽ gây lở loét trong khoang miệng hoặc xuất hiện các mụn nước trên môi. Tình trạng này gây đau nhức, khó chịu cho người bệnh.

Mụn rộp sinh dục là một bệnh lý xã hội

Bạch sản niêm mạc

Khoang miệng khi bị bạch sản niêm mạc sẽ xuất hiện nhiều mảng bám màu trắng. Bệnh này không gây ra nhiều triệu chứng khó chịu và có thể hết dễ dàng. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan khi mắc phải bệnh này vì có thể gây ra ung thư.

Cách phòng ngừa các bệnh lý khoang miệng

Để giữ cho khoang miệng bình thường, bạn hãy chủ động phòng tránh các bệnh lý khoang miệng bằng các cách sau:

  • Chăm sóc răng miệng cẩn thận, đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, kết hợp sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng để làm sạch toàn diện răng miệng.
  • Thường xuyên vệ sinh các đồ dùng cá nhân, tuyệt đối không sử dụng chung đồ vệ sinh cá nhân với người khác.
  • Xây dựng một chế độ sinh hoạt khoa học, hạn chế tình trạng căng thẳng kéo dài. Đồng thời hãy luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
  • Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hàng ngày. Cắt giảm các thực phẩm không tốt cho sức khỏe như thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, chứa nhiều gia vị, thực phẩm cay nóng,...
  • Thực hiện kiểm tra nha khoa và sức khỏe tổng thể định kỳ.

Chăm sóc răng miệng cẩn thận để phòng ngừa các bệnh lý khoang miệng

Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn biết được khoang miệng bình thường là như thế nào, các bệnh lý về khoang miệng thường gặp và cách phòng tránh chúng. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và giải đáp cụ thể.