TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Hoại tử xương hàm do đâu? Những biến chứng có thể gặp phải

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 112
Hoại tử xương hàm là một tình trạng y khoa nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe răng miệng và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bài viết sau sẽ tổng hợp về nguyên nhân, triệu chứng cũng như các phương pháp điều trị hoại tử xương hàm, từ đó giúp bạn có biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời khi không may gặp phải tình trạng này.

Hoại tử xương hàm là một bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng cũng như sinh hoạt của người bệnh. Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến với virus Herpes Zoster, xạ trị, viêm tủy xương hàm, tác dụng phụ của thuốc Bisphosphonate…

Hoại tử xương hàm là gì?

Hoại tử xương hàm là tình trạng phần hàm mặt bị tổn thương khi các tế bào không được cung cấp đủ máu, từ đó dẫn đến tình trạng xương hàm bị chết mòn, mất đi khả năng tái tạo và phục hồi. Trong đó, xương hàm bao gồm xương hàm trên và xương hàm dưới.

Hoại tử xương hàm là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm

Tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi bệnh phát triển, người bệnh sẽ phải sống chung với những cơn đau dai dẳng, gây khó khăn trong việc ăn uống, giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hoại tử xương hàm ở mức độ nặng có thể gây biến dạng khuôn mặt vì mất xương hàm.

Nguyên nhân gây hoại tử xương hàm

Có rất nhiều nguyên nhân gây hoại tử xương hàm, trong đó có thể kể đến những nguyên nhân phổ biến như:

Virus Herpes Zoster

Herpes Zoster là một loại virus thuộc nhóm Herpes, gây ra bệnh thủy đậu ở giai đoạn đầu. Khi cơ thể đã mắc bệnh thủy đậu, virus này sẽ không hoàn toàn bị loại bỏ mà tồn tại trong cơ thể và chờ cơ hội để tái hoạt động, gây ra bệnh Zona thần kinh.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, virus Herpes Zoster có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có hoại tử xương hàm. Nguyên nhân là do virus có khả năng tấn công các dây thần kinh, gây viêm nhiễm và tổn thương vùng mô xương lân cận, khiến xương hàm bị suy yếu, thiếu máu nuôi dưỡng và mất khả năng tái tạo, từ đó dẫn đến hoại tử.

Virus Herpes Zoster có thể gây hoại tử xương hàm

Ngoài ra, nếu tình trạng lan rộng và không được kiểm soát, virus có thể gây tổn thương các vùng lân cận như dây thần kinh mặt và mắt, gây nhiễm trùng nặng hoặc thậm chí mất thị lực.

Trị liệu bức xạ (xạ trị)

Xạ trị là một phương pháp phổ biến trong điều trị ung thư. Phương pháp này sử dụng bức xạ ion hóa để tiêu diệt hoặc làm suy yếu các tế bào ung thư trong cơ thể, từ đó ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của khối u. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả tích cực thì quá trình này có gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, trong đó có hoại tử xương hàm.

Viêm tủy xương hàm

Viêm tủy xương hàm là một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, thường xuất phát từ vi khuẩn xâm nhập vào xương hàm qua các răng sâu hoặc tổn thương nặng nhưng không được điều trị kịp thời. Khi vi khuẩn lan đến tủy răng và xương hàm, chúng có thể gây viêm nhiễm ở tủy xương, dẫn đến tổn thương sâu bên trong cấu trúc xương hàm, nặng hơn là hoại tử xương hàm.

Sử dụng thuốc Bisphosphonate

Thuốc Bisphosphonate thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị loãng xương hoặc ung thư có di căn đến xương. Cơ chế hoạt động của thuốc này là làm ức chế hoạt động của các tế bào hủy cốt bào, làm giảm sự phá hủy xương, duy trì độ chắc khỏe của xương và tăng trưởng nội mô thành mạch.

Thuốc Bisphosphonate có tác dụng phụ là hạn chế quá trình tạo mao mạch trong xương và giảm khả năng tự hồi phục của xương

Tuy nhiên, loại thuốc này cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là hạn chế quá trình tạo mao mạch trong xương và giảm khả năng tự phục hồi của xương. Việc giảm lưu thông máu do thiếu mao mạch mới khiến các mô xương khó được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất, dẫn đến nguy cơ hoại tử xương.

Bệnh lý khác

Một số bệnh lý mãn tính như tiểu đường, loãng xương hoặc các vấn đề tuần hoàn cũng có thể góp phần vào nguy cơ hoại tử xương hàm. Các bệnh lý này ảnh hưởng đến khả năng tuần hoàn máu, sự cung cấp dinh dưỡng cho xương, cũng như khả năng tự phục hồi của cơ thể, từ đó làm suy yếu xương hàm và tăng nguy cơ hoại tử.

Xem thêm: Áp xe răng là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Triệu chứng của hoại tử xương hàm

Hoại tử xương hàm là một tình trạng nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tổng thể của người bệnh. Việc nắm bắt được những triệu chứng của hoại tử xương hàm sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị bệnh đúng cách.

  • Đau âm ỉ kéo dài: Những cơn đau âm ỉ xuất hiện ở vùng mặt, vòm miệng và răng. Cơn đau có thể kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
  • Sưng và viêm mí mắt: Một trong hai mí mắt hoặc cả hai mí đều bị sưng, viêm và có thể kèm theo cảm giác khó chịu là dấu hiệu phổ biến cảnh báo nguy cơ hoại tử xương hàm.

Hoại tử xương hàm thường bắt đầu với những cơn đau âm ỉ kéo dài ở vùng mặt, miệng và răng

  • Sưng viêm vùng sọ trán: Vùng sọ trán có thể bị sưng viêm khi bị hoại tử xương hàm, gây đau nhức và cảm giác khó chịu ở phần đầu và mặt cho người bệnh.
  • Khó khăn trong vận động hàm: Người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc cử động cơ hàm như ăn uống, nói chuyện. Thậm chí, những cử động nhẹ nhàng cũng trở nên đau và khó khăn.
  • Các triệu chứng khác: Hoại tử xương hàm còn đi kèm với một số biểu hiện khác như khó thở, phù nề niêm mạc mũi… Những triệu chứng này có thể gây nhầm lẫn với các bệnh viêm xoang. Vì thế, người bệnh dễ chủ quan và bỏ qua các dấu hiệu nguy hiểm này.

Hoại tử xương hàm có nguy hiểm không?

Hoại tử xương hàm là một tình trạng cực kỳ nguy hiểm nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh khi chuyển biến nặng có thể gây mất xương hàm và khiến khuôn mặt bị biến dạng. Những biến chứng này không chỉ ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây khó khăn trong các hoạt động ăn uống, giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài những ảnh hưởng trên, hoại tử xương hàm còn có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng, viêm nhiễm lan rộng đến các mô mềm và các cơ quan khác trong cơ thể. Điều này có thể khiến sức khỏe ngày càng suy yếu, đe dọa đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Hoại tử xương hàm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến ăn nhai và sinh hoạt của người bệnh

Do đó, nếu bạn phát hiện các bất thường hoặc triệu chứng của bệnh, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế hoặc nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám và điều trị. Chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng.

Điều trị hoại tử xương hàm như thế nào?

Việc điều trị hoại tử xương hàm sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Dưới đây là một số phương pháp điều trị hoại tử xương hàm phổ biến hiện nay mà bạn có thể tham khảo:

Điều trị bảo tồn xương hàm mặt

Phương pháp điều trị bảo tồn xương hàm mặt chủ yếu sử dụng thuốc để điều trị. Phương pháp này thường được áp dụng trong những trường hợp hoại tử xương hàm ở diện tích nhỏ và khả năng phục hồi cao.

Các loại thuốc thường được sử dụng bao gồm: thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh và dung dịch sát khuẩn miệng. Điều trị bảo tồn không yêu cầu phẫu thuật nên thường khá nhẹ nhàng và không gây đau đớn cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh lạm dụng thuốc giảm đau quá mức vì có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn sau này.

Tùy thuộc vào tình trạng và giai đoạn bệnh phát triển mà bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp

Điều trị phẫu thuật cắt bỏ xương hàm mặt

Trong trường hợp hoại tử xương hàm nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ phần xương ổ răng hoặc toàn bộ xương hàm bị hoại tử. Đặc biệt, nếu hoại tử xương hàm xảy ra do xạ trị, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ toàn bộ tổ chức xương bị ảnh hưởng.

Sau khi loại bỏ xương chết và làm sạch vết thương, bác sĩ sẽ tiến hành tạo hình che phủ bằng vạt có chân nuôi hoặc các vạt da tự do.

Các điều trị bổ trợ khác

Trong quá trình điều trị hoại tử xương hàm có thể sẽ phát sinh thêm nhiều tình huống. Do đóm bác sĩ sẽ chẩn đoán và điều trị các triệu chứng kèm theo như: sưng sọ trán, sưng viêm mí mắt… nhằm giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và giảm thiểu các biến chứng.

Điều trị hoại tử xương hàm cần được thực hiện kịp thời và đúng cách để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng hoại tử và các yếu tố khác như tuổi tác, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân. Bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả điều trị tốt nhất.

Biện pháp phòng ngừa hoại tử xương hàm

Để phòng ngừa tình trạng hoại tử xương hàm vô cùng nguy hiểm và đảm bảo sức khỏe răng miệng được tốt hơn, bạn nên thực hiện các biện pháp sau:

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Mặc dù là công việc được thực hiện hàng ngày nhưng chưa chắc ai cũng thao tác vệ sinh răng miệng đúng cách. Các chuyên gia khuyến cáo, bạn nên đánh răng ít nhất 2 lần/ngày vào mỗi sáng và tối bằng bàn chải lông mềm. Chải răng nhẹ nhàng theo chiều dọc hoặc vòng xoắn ốc. Đừng quên vệ sinh lưỡi để loại bỏ vi khuẩn bám trên lưỡi.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Bên cạnh đó, bạn cũng nên sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ thức ăn thừa bám trên kẽ răng và dùng nước súc miệng để làm sạch răng miệng toàn diện. Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng sẽ giúp ngăn ngừa các bệnh lý như sâu răng, viêm nướu, hoại tử xương hàm… đồng thời giúp hơi thở thơm mát.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng cũng như bệnh lý toàn thân. Theo đó, bạn nên ưu tiên ăn các loại trái cây tươi, rau củ, các loại hạt, ngũ cốc, đặc biệt nên uống đủ nước mỗi ngày.

Bên cạnh đó, bạn nên cũng tránh ăn các loại thức ăn chứa nhiều axit và đồ ngọt vì dễ gây mòn men răng, sâu răng…

Khám răng định kỳ

Bạn cần duy trì đều đặn lịch khám răng định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Sau mỗi lần thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng sức khỏe răng miệng một cách chính xác. Đồng thời, thăm khám định kỳ tại địa chỉ nha khoa uy tín sẽ giúp bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bất thường về răng miệng nếu có.

Khám răng định kỳ tại nha khoa uy tín là điều cần thiết

Trồng răng Implant ngay sau khi mất răng

Mất răng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tiêu xương hàm, nặng hơn là hoại tử xương hàm. Hiện nay, giải pháp được các bác sĩ đánh giá cao trong việc khôi phục răng mất đó chính là trồng răng Implant.

Đây là phương pháp giúp bạn phục hồi răng mất gần giống với răng thật nhất cả về chức năng lẫn thẩm mỹ mà không hề xâm lấn đến răng thật kế cận, ngăn ngừa được tiêu xương ổ răng và có khả năng duy trì kết quả lâu dài.

Hoại tử xương hàm là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Do đó, nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn hãy nhanh chóng đến nha khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán kịp thời.