TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Đau răng hàm dưới là dấu hiệu bệnh gì?

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 872
Đau răng hàm dưới là dấu hiệu của nhiều bệnh lý về răng miệng cũng nhưng những bệnh lý khác của cơ thể. Nha khoa Nhân Tâm xin phân tích chi tiết những nguyên nhân gây ra tình trạng đau răng hàm dưới qua bài viết sau đây.

Có nhiều nguyên nhân gây đau răng hàm dưới. Trong đó, có những bệnh lý răng miệng thường gặp gây đau răng như sâu răng, viêm tủy răng, áp-xe răng, chấn thương răng… Mọc răng khôn cũng là nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng này.

Đau răng hàm dưới là dấu hiệu bệnh gì?

Đau răng hàm dưới có thể là dấu hiệu của các bệnh lý răng miệng thường gặp, dấu hiệu đau răng khôn hoặc là biến chứng của những bệnh lý khác của cơ thể.

1. Đau răng hàm dưới do bệnh lý răng miệng

Sâu răng

Sâu răng là tình trạng vi khuẩn phân hủy đường trong thức ăn để tạo thành axit làm mòn men răng, hình thành những lỗ hổng trên răng. Sâu răng gây đau khi vi khuẩn tấn công vào ngà răng và tủy răng.

Tùy vào mức độ tổn thương mà sẽ có biểu hiện ê buốt khi có tác nhân kích thích, đau theo cấp độ, sưng, sốt…

Sâu răng là nguyên nhân gây đau răng phổ biến nhất

Viêm tủy răng

Viêm tủy răng là tình trạng tủy răng bị viêm, nhiễm trùng do các nguyên nhân như sâu răng, chấn thương răng… Viêm tủy răng bao gồm viêm tủy có hồi phục hoặc không hồi phục.

Cơn đau răng sẽ tùy theo mức độ viêm tủy, có thể có yếu tố kích thích gây đau hoặc đau tự phát, đau đột ngột, đau dai dẳng.

Khi tủy bị hoại tử, cơn đau sẽ kết thúc và tiến triển thành viêm quanh răng hoặc áp-xe răng.

Áp-xe răng

Áp-xe răng là biểu hiện của tình trạng sâu răng hoặc viêm tủy nhưng không được chữa trị kịp thời, khiến vi khuẩn tấn công các tổ chức quanh răng và tạo thành áp-xe.

Nếu áp-xe không được điều trị thì có thể tiến triển thành viêm mô tế bào, gây nhiễm trùng máu, thậm chí đe dọa tính mạng.

2. Chấn thương răng

Chấn thương răng do tác động từ bên ngoài, do té ngã, tai nạn… gây mẻ, vỡ, gãy răng khiến tủy răng bị tổn thương và xuất hiện cơn đau ngay sau đó.

3. Đau do răng khôn

Các cơn đau thường xuất hiện khi chúng ta mọc răng khôn hoặc khi răng khôn gặp phải các vấn đề bất thường như bị sâu, bị viêm lợi trùm, bị mọc lệch, mọc ngang, mọc kẹt…

Đi kèm cơn đau là các triệu chứng như khó há miệng, sưng, co cứng hàm, khó ăn nhai, sốt, nổi hạch,...

Viêm lợi trùm răng khôn gây đau

4. Đau răng do biến chứng của các bệnh lý cơ thể

Bên cạnh đau răng do răng và các tổ chức quanh răng thì đau răng còn có thể là biến chứng của một số bệnh lý cơ thể như:

  • Viêm xoang nặng hoặc viêm xoang tái đi tái lại gây nhiễm trùng xoang, gây đau nhức ở những vùng gần các hốc xoang.
  • Tình trạng đau đầu kéo dài cũng có thể gây đau răng do hệ thống thần kinh vùng sọ mặt liên kết với nhau.
  • Đau răng do những bệnh lý như tim mạch, tiểu đường, nhiễm virus hay các bệnh về dây thần kinh.
  • Rối loạn khớp thái dương hàm, trật khớp thái dương cũng là những nguyên nhân gây đau răng.
  • U nang xương hàm, ung thư miệng: Khi bị ung thư miệng, bạn có thể bị đau ở bất kì khu vực nào phần mặt, miệng, cổ. Bạn sẽ thấy các dấu hiệu như sưng tấy, chảy máu ở vết loét mà không lành sau một đến hai tuần.

Đau răng cũng có thể là dấu hiệu của những bệnh toàn thân khác

Bị đau răng hàm dưới điều trị như thế nào?

Đối với bệnh nhân bị đau răng và các tổ chức xung quanh răng thì cần tiến hành tìm kiếm Bác sĩ Răng Hàm Mặt giỏi TP.HCM để thăm khám và điều trị.

Nếu đau răng kèm các triệu chứng như sốt, đau đầu, sưng mặt thì cần khám thêm thần kinh, tập trung vào các dây thần kinh sọ mặt để xác định nguyên nhân.

Nếu trường hợp, bệnh nhân thăm khám nha khoa, chụp phim X-quang và không phát hiện vấn đề ở răng thì cần thăm khám các chuyên khoa khác.

Đối với các trường hợp đau răng do bệnh lý răng miệng, khi thăm khám nha khoa, Bác sĩ sẽ xác định được bệnh lý và tùy vào tổn thương mà đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Có thể cần trám răng sâu, điều trị tủy, phục hình răng sau khi chữa tủy, điều trị chấn thương, nhổ răng khôn… để chấm dứt cơn đau.

Các phương pháp điều trị nha khoa tùy vào mức độ tổn thương của răng

Với những trường hợp răng bị tổn thương nghiêm trọng gây đau dữ dội, có thể cần dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, kháng sinh theo đơn của bác sĩ trước khi tiến hành điều trị.

Với các trường hợp đau răng do biến chứng của bệnh lý cơ thể, bệnh nhân cần thăm khám tổng quát để xác định nguyên nhân và phối hợp với bác sĩ chuyên khoa để điều trị.

Trên đây là những nguyên nhân và cách điều trị khi bị đau răng hàm dưới. Đau răng là dấu hiệu của nhiều vấn đề nguy hiểm cả về sức khỏe răng miệng lẫn sức khỏe toàn thân, thế nên bạn chớ bỏ qua mà hãy đi khám và điều trị càng sớm càng tốt nhé!