TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Đau họng ăn gì và kiêng ăn gì để nhanh khỏi?

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 9,205
Tình trạng đau họng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Để giảm cảm giác khó chịu và đẩy nhanh quá trình hồi phục, chế độ ăn uống là rất quan trọng. Vậy đau họng ăn gì và kiêng ăn gì để mau khỏi bệnh? Cùng khám phá qua bài viết sau nhé.

Đau họng là một triệu chứng khá phổ biến, thường đi kèm với cảm giác đau, ngứa và khó chịu ở vùng cổ họng. Tình trạng này xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp nhất là do nhiễm vi khuẩn hoặc virus.

Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp khi bị đau họng đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hồi phục. Đau họng ăn gì để giảm đau và nhanh chóng khỏi bệnh? Bạn nên ăn những thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và uống nhiều nước ấm để làm dịu cổ họng.

Bị đau họng nên ăn gì?

Khi bị đau họng, bạn nên ăn những thực phẩm mềm, lỏng, dễ nuốt. Kết cấu mềm mại sẽ giúp hạn chế kích ứng cho vùng cổ họng. Ngoài ra, những thức ăn và đồ uống ấm cũng sẽ giúp làm dịu cổ họng của bạn. Dưới đây là danh sách chi tiết những thực phẩm bạn nên ăn.

Các loại thực phẩm mềm

Nhóm thực phẩm mềm được nhiều người nghĩ đến đầu tiên đó là cháo, súp. Bạn có thể nấu cháo với đa dạng các thực phẩm từ thịt, cá, rau, củ,... Việc kết hợp các thực phẩm này đảm bảo sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ chất dinh dưỡng, từ đó giúp quá trình hồi phục diễn ra nhanh hơn.

Cháo là món ăn được nhiều người nghĩ đến đầu tiên khi bị đau họng

Tuy nhiên, bạn nên lưu ý không nên cho nhiều gia vị cay, nóng, mặn khi chế biến món ăn này. Vì các thành phần axit có trong các loại gia vị này sẽ khiến cổ họng bị kích ứng và càng trở nên nghiêm trọng hơn. Thay vào đó, bạn có thể cho thêm một ít gừng hay nghệ vào trong cháo để tăng cường khả năng chống viêm của cơ thể.

Thực phẩm trơn, mát

Đau họng thường có triệu chứng nóng, rát vùng cổ họng. Vì thế, những món ăn có đặc tính trơn mát sẽ là sự lựa chọn thích hợp trong giai đoạn này. Bạn có thể chế biến các món canh từ rau đay, rau mồng tơi, rau lang, rau sâm, bầu, bí, mướp,...

Các món canh này rất dễ ăn, dễ nuốt, mà lại còn có hương vị thơm ngon. Từ đó làm dịu cơn rát từ sâu bên trong cổ họng, không làm bạn khó chịu khi nhai, giúp bạn cảm thấy dễ chịu và thoải mái hơn rất nhiều, đồng thời còn hỗ trợ tiêu hóa rất tốt.

Canh mướp, mồng tơi sẽ giúp cổ họng bạn dễ chịu, đồng thời hỗ trợ tiêu hóa tốt

Thực phẩm giàu vitamin C

Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân chủ yếu gây đau họng là do vi khuẩn, virus. Do đó, việc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch và kháng khuẩn. Các triệu chứng đau rát cổ họng cũng sẽ nhanh chóng được loại bỏ.

Bạn có thể tìm thấy vitamin C trong các thực phẩm như cam, quýt, ổi, kiwi, dâu tây, cà chua, ớt chuông, rau xanh,...

Thực phẩm giàu vitamin C sẽ giúp tăng cường sức đề kháng

Thực phẩm chứa nhiều kẽm

Các thực phẩm chứa nhiều kẽm cũng là nguồn dinh dưỡng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Bên cạnh đó, kẽm còn giúp cơ thể chống lại được các vi khuẩn, virus gây bệnh. Vì thế, với câu hỏi đau họng ăn gì thì không thể không nhắc đến thực phẩm chứa khoáng chất này.

Thông thường, kẽm sẽ có nhiều trong các loại động vật có vỏ (tôm, cua, nghêu, sò,...), thịt bò, thịt gà, thịt lợn,... Nếu bạn có tiền sử dị ứng với hải sản thì có thể bổ sung thay thế bằng các loại ngũ cốc, hạt bí, hạt vừng, mầm lúa mì,...

Thực phẩm chứa nhiều kẽm là nguồn dinh dưỡng bạn không nên bỏ qua khi bị đau họng

Thực phẩm có tính kháng viêm

Dầu oliu, rau xanh, bắp cải, cà chua, việt quất, hạnh nhân,... là những thực phẩm có khả năng kháng viêm cao nên được bổ sung vào chế độ ăn khi bị viêm họng. Những thực phẩm này sẽ giúp những thương tổn ở vùng niêm mạc họng nhanh chóng lành lại, từ đó giảm dần tình trạng đau họng.

Dầu oliu, các loại hạt,... có khả năng kháng viêm cao

Các loại trà thảo mộc

Các loại trà thảo mộc là một trong những thức uống rất tốt cho người bị đau họng, giúp làm dịu cổ họng, giảm viêm và kháng khuẩn.

  • Trà gừng: Gừng có tính ẩm, giúp làm ấm cơ thể, giảm đau và kháng viêm hiệu quả. Bạn có thể cho thêm một ít mật ong để giúp tình trạng đau họng nhanh chóng thuyên giảm.
  • Trà cam thảo: Trong cam thảo có chứa axit glycyrizic, có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn, bảo vệ cơ quan hô hấp. Bên cạnh đó, loại trà này còn chứa chất chống oxy hóa, thanh nhiệt, giảm sưng viêm tại vùng cổ họng.
  • Trà hoa cúc: Hoa cúc có tác dụng giảm đau, kháng viêm và thư giãn. Uống trà hoa cúc không chỉ giúp làm dịu cổ họng mà còn cải thiện giấc ngủ của bạn.

Trà thảo mộc rất tốt cho người bị đau họng

Những thực phẩm cần kiêng khi bị đau họng

Như vậy, đau họng ăn gì đã được giải đáp ở trên. Vậy, đau họng nên kiêng gì để tránh gây kích ứng cổ họng nhiều hơn và khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Dưới đây là danh sách một số thực phẩm mà bạn cần kiêng khi bị đau họng.

Thực phẩm khô, cứng, giòn

Các thực phẩm khô, cứng, giòn như bánh đa, bánh quy, bánh mì, bắp, khoai chiên,... là thực phẩm nằm trong danh sách không nên dùng khi bị đau họng. Bởi những thực phẩm này có thể khiến cho niêm mạc họng bị tổn thương, gây sưng đau kéo dài.

Những thực phẩm khô, cứng, giòn nên kiêng khi bị đau họng

Thực phẩm cay nóng

Các loại thực phẩm cay nóng, chứa nhiều gia vị như tiêu, ớt,... sẽ kích thích niêm mạc họng, khiến tình trạng đau họng trở nên tồi tệ hơn, gây khó nuốt, khó thở, làm chậm quá trình hồi phục của niêm mạc họng.

Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Cũng giống như thực phẩm cay nóng, những món ăn chứa nhiều dầu mỡ cũng sẽ gây kích thích niêm mạc họng, làm tăng cảm giác khó chịu ở cổ họng, đồng thời gây áp lực lên hệ tiêu hóa, khiến hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn, từ đó khiến bệnh kéo dài.

Thực phẩm nhiều dầu mỡ có thể làm tăng cảm giác khó chịu

Thực phẩm chua

Thực phẩm chua cũng nằm trong danh sách những loại thực phẩm mà người bị đau họng nên hạn chế. Vì trong các thực phẩm này chứa nhiều axit có thể gây kích ứng niêm mạc họng, tăng cảm giác đau rát và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Đồ uống có cồn/chất kích thích

Đồ uống có cồn và chất kích thích như rượu, bia, cà phê,... là những thức uống bạn nên tránh khi bị đau họng. Nguyên nhân là những đồ uống này gây kích thích niêm mạc họng, khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. Đồng thời còn gây mất nước, làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại các vi khuẩn và virus gây bệnh.

Khi bị đau họng, bạn nên kiêng uống rượu, bia

Các món ăn lạnh

Mặc dù rất hấp dẫn trong những ngày hè nóng bức, nhưng khi bị đau họng, bạn nên hạn chế ăn uống các món ăn lạnh như kem, sinh tố, nước đá,... Bởi đồ ăn lạnh có thể gây sốc nhiệt cho vùng họng đang bị viêm, làm tăng cảm giác đau rát và khó chịu.

Hơn nữa, nhiệt độ lạnh còn khiến các mạch máu ở họng co lại, giảm khả năng cung cấp máu và chất dinh dưỡng để chữa lành vết thương, khiến cổ họng ngứa ngáy, khó chịu hơn.

Xem thêm: Điểm danh những đồ uống làm đổi màu men răng

Bật mí cách giảm đau họng hiệu quả tại nhà

Khi bị đau họng, bạn có thể thử áp dụng một số mẹo dân gian tại nhà để chấm dứt tình trạng khó chịu trong cổ họng mà không cần dùng đến thuốc kháng sinh. Dưới đây là một số bí quyết mà bạn có thể tham khảo.

Súc miệng với nước muối sinh lý

Sử dụng nước muối sinh lý hay nước muối ấm được xem là cách đơn giản nhất để làm dịu cơn đau rát ở vùng cổ họng. Bởi nước muối có khả năng tiêu viêm, sát khuẩn, đồng thời làm loãng và loại bỏ dịch đờm ứ đọng. Bạn có thể duy trì thói quen súc miệng bằng nước muối từ 1 - 2 ngày/lần để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp.

Súc miệng bằng nước ấm là cách đơn giản để giảm đau họng

Bạn chỉ cần chuẩn bị khoảng 250ml nước ấm, sau đó cho vào ½ thìa muối. Khuấy đều cho đến khi muối tan hoàn toàn. Dùng nước muối súc miệng 1 - 2 lần, phần còn lại ngậm khoảng 3 - 5 phút để loại bỏ virus, vi khuẩn tích tụ trong khoang miệng. Kiên trì thực hiện đều đặn 2 - 3 lần/ngày để có được hiệu quả như mong đợi.

Trị đau họng bằng gừng tươi

Sử dụng gừng tươi để giảm đau họng là cách đã được lưu truyền rộng rãi trong dân gian từ xưa đến nay. Sở dĩ như vậy là bởi gừng có tính ấm, vị cay nồng, có tác dụng tán phong hàn, giảm ho, giảm đau, tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.

Ngoài ra, trên cơ sở khoa học, trong gừng có chứa hợp chất Gingerol có khả năng kháng viêm và ức chế virus RSV (vi khuẩn gây viêm họng và cảm lạnh), đồng thời có tác dụng giảm đau tự nhiên.

Gừng tươi có tính ấm, vị cay nồng, giúp giảm đau họng hiệu quả

Bạn có thể ngậm trực tiếp vài lát gừng tươi (ngậm sát ở vùng hầu họng) để giúp long đờm, giảm ho, giảm đau rát. Nên ngậm nhiều lần trong ngày để đạt hiệu quả tốt.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hãm 1 củ gừng tươi xắt lát với 250ml nước sôi trong khoang 10 phút, sau đó thêm một ít mật ong, khuấy đều và uống khi còn ấm. Áp dụng đều đặn 2 - 3 lần/ngày, đặc biệt là ban đêm trước khi đi ngủ để tạo cảm giác dễ chịu, tránh tình trạng ho bùng phát mạnh về đêm.

Mật ong chữa đau họng tại nhà

Mật ong cũng là nguyên liệu hàng đầu để chữa đau họng tại nhà được nhiều người tin dùng. Mật ong có tính kháng viêm, đồng thời vị ngọt của mật ong có thể thúc đẩy tuyến nước bọt hoạt động tốt hơn, từ đó làm dịu cổ họng đang bị khô và dễ làm long đờm.

Giảm đau họng bằng mật ong rất đơn giản

Có rất nhiều cách để chữa đau họng bằng mật ong. Bạn có thể thử áp dụng các cách dưới đây:

  • Cách 1: Ngậm trực tiếp mật ong trong khoảng 2-3 phút (ngậm sát vùng cổ họng) sẽ giúp giảm đau và ngứa ngáy cổ họng.
  • Cách 2: Pha một cốc nước ấm (khoảng 200ml) với 2-3 thìa mật ong. Uống vào mỗi buổi sáng khi vừa thức dậy sẽ giúp giảm đau, giúp cổ họng dễ chịu, thoải mái hơn.
  • Cách 3: Ngâm tỏi và mật ong trong 7 ngày. Sau đó uống hỗn hợp này mỗi ngày một lần. Cho tỏi vào miệng ngậm, khi không còn cảm nhận được mùi của tỏi thì có thể nhả ra.

Trị viêm họng từ lá tía tô

Lá tía tô rất tốt cho hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng nhờ các tinh dầu, khoáng chất, protein,... có trong nó. Trong Đông y, lá tía tô còn có vị cay, tính ấm, có khả năng kháng viêm, diệt khuẩn và thanh lọc cơ thể rất tốt. Vì thế, bạn có thể dùng lá tía tô để chữa viêm họng tại nhà.

Bạn có thể dùng lá tía tô để nấu cháo. Chỉ cần nấu cháo như bình thường, nêm nếm cho vừa ăn, sau đó bỏ lá tía tô cắt nhỏ vào, trộn đều rồi tắt bếp. Ăn cháo lá tía tô lúc còn ấm nóng sẽ làm tăng hiệu quả, tốt cho cổ họng của người bệnh.

Cháo lá tía tô rất tốt cho cổ họng của người bệnh

Hoặc bạn cũng có thể đun sôi lá tía tô với nước khoảng 10 - 15 phút. Khi nguội, chắt lấy nước, dùng nước uống khoảng 3 lần/ngày cho đến khi khỏi bệnh.

Tắc (quất) chưng đường phèn trị viêm họng tại nhà

Tắc có tác dụng giải cảm, nhuận phế và tiêu đờm rất tốt. Loại quả này có chứa rất nhiều vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ hệ miễn dịch tiêu diệt virus, vi khuẩn.

Trong khi đó, đường phèn là loại đường thường được chế biến từ củ cải, mía, thốt nốt với vị ngọt thanh tự nhiên. Đường phép không chỉ góp phần làm tăng hương vị của món ăn mà còn có công dụng thanh nhiệt, nhuận phế. Chính vì thế, khi kết hợp tắc với đường phèn sẽ giúp giảm cảm giác đau, ngứa, rát cổ họng vô cùng hiệu quả.

Tắc chưng đường phèn giúp giảm tình trạng đau, ngứa, rát cổ họng

Bạn chỉ cần chuẩn bị 3 - 5 quả tắc tươi và một ít đường phèn, có thể cho thêm mật ong. Tắc sau khi rửa sạch thì cắt đôi, cho vào chén. Đường phèn giã nát cho dễ tan rồi cho vào chén. Đem hấp cách thủy trong khoảng 15 - 20 phút. Bạn có thể ăn cả nước lẫn cái để giảm đau họng và giảm ho. Thực hiện liên tục vài ngày cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Những lưu ý cần biết khi bị đau họng

Khi bị đau họng, bạn nên duy trì thói quen vệ sinh sạch sẽ, đồng thời tránh những yếu tố gây bệnh. Cụ thể như:

  • Rửa tay thường xuyên với xà phòng bởi vi khuẩn, virus gây bệnh thường bám nhiều trên tay. Khi bạn chạm tay vào mắt, mũi, miệng, chúng sẽ xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
  • Không sử dụng chung đồ cá nhân hoặc ly uống nước vì sẽ rất dễ lây nhiễm cho người khác.
  • Khi ho hoặc hắt xì, hãy sử dụng khăn giấy để ngăn ngừa nước bọt chứa vi khuẩn, virus bắn ra xung quanh và lây nhiễm cho người khác.
  • Hạn chế chạm tay vào các vật dụng công cộng như lan can, tay nắm cửa,... để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
  • Tránh tiếp xúc quá gần với người đang bị bệnh để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Che khăn giấy khi hắt xì để tránh nước bọt bắn ra xung quanh và gây lây nhiễm

Như vậy, bài viết trên Nha khoa Nhân Tâm đã giải đáp cho bạn đau họng ăn gì và kiêng ăn gì để mau chóng khỏi bệnh, đồng thời cung cấp cho bạn những thông tin để khắc phục tình trạng này hiệu quả. Nếu triệu chứng đau họng không giảm, bạn nên tìm đến các cơ sở chuyên khoa uy tín để được bác sĩ thăm khám và đưa ra giải pháp điều trị phù hợp nhé.