Khi ba mẹ dẫn trẻ đi khám răng, trẻ sẽ được phát một phiếu khám và trên phiếu khám sẽ ghi ký hiệu răng cần khám, Bác sĩ nhìn vào sẽ biết được trên phiếu khám ghi là răng ở vị trí nào, tuy nhiên đối với ba mẹ thì không dễ dàng để biết được.
Do đó, Nha khoa Nhân Tâm sẽ giới thiệu ba mẹ cách đếm răng trẻ em cả cho răng sữa và răng vĩnh viễn một cách dễ hiểu nhất. Nếu ba mẹ quan tâm thì hãy đón đọc cùng Nhân Tâm nhé!
Cách đếm răng trẻ em - Hệ răng sữa
Trẻ bắt đầu mọc răng sữa từ khoảng 6 tháng tuổi và kéo dài đến khoảng 33 tháng tuổi. Khi hoàn tất giai đoạn mọc răng sữa, hàm răng của trẻ sẽ có khoảng 20 chiếc răng sữa cho đều cho cả hàm trên và hàm dưới.
Như vậy, mỗi hàm trẻ sẽ có 10 răng sữa được chia như sau: 2 răng cửa giữa, 2 răng cửa bên, 2 răng nanh, 2 răng hàm thứ nhất và 2 răng hàm thứ hai.
Ở mỗi hàm được chia làm 2 cung hàm, lấy từ đường giữa hai răng cửa, được đánh số theo chiều kim đồng hồ là 5 cho cung hàm bên phải hàm trên, 6 cho cung hàm bên trái hàm trên, 7 cho cung hàm bên trái hàm dưới và 8 cho cung hàm bên phải hàm dưới.
Mỗi cung hàm sẽ có 5 chiếc răng, được đánh dấu từ 1-5. Vị trí số 1 cho răng cửa và vị trí số 5 cho răng hàm thứ 2.
Sơ đồ răng sữa
Khi thăm khám, Bác sĩ sẽ để ký tự “R” trước mỗi răng. Vậy cung hàm bên phải hàm trên sẽ có các răng: R51, R52, R53, R54, R55; cung hàm bên trái hàm trên sẽ có các răng R61, R62, R63, R64, R65; cung hàm bên trái hàm dưới là R71, R72, R73, R74, R75 và cung hàm bên phải hàm dưới là R81, R82, R83, R84, R85.
Cách đếm răng trẻ em - Hệ răng vĩnh viễn
Răng sữa không tồn tại suốt đời với trẻ mà sẽ được thay thế bằng răng vĩnh viễn. Khoảng từ 5-6 tuổi, các răng sữa sẽ dần dần lung lay và rụng để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên. Răng sữa nào mọc trước thì sẽ thay trước, răng mọc sau sẽ thay sau.
Tới khoảng 11 tuổi, trẻ hoàn tất việc thay răng và có hàm răng vĩnh viễn gồm 28 răng, trong đó mỗi hàm có 2 răng cửa giữa, 2 răng cửa bên, 2 răng nanh, 4 răng tiền hàm, 2 răng hàm thứ nhất và hai răng hàm thứ 2.
Khi trẻ bước vào độ tuổi trưởng thành, răng khôn sẽ xuất hiện (17-25 tuổi). Một hàm răng với đầy đủ 4 cái răng khôn sẽ có tổng là 32 cái. Tuy nhiên có bé mọc đủ, có bé mọc thiếu, có bé không mọc răng khôn. Việc mọc hay không mọc răng khôn, mọc ít hay mọc đủ không phải là dấu hiệu bất thường nên ba mẹ không cần lo lắng.
Cách đếm răng trẻ em đối với răng vĩnh viễn dưới đây, Nha khoa Nhân Tâm sẽ dựa trên hàm răng đầy đủ với 32 chiếc răng để cho các bậc phụ huynh dễ hiểu và không bị nhầm lẫn.
Sơ đồ răng vĩnh viễn
Với hệ răng vĩnh viễn, hai hàm cũng được chia thành 4 cung răng nhưng sẽ không đánh số là 5, 6, 7, 8 như hệ răng sữa mà sẽ thay bằng 1,2,3,4 cũng theo chiều kim đồng hồ. Với 32 chiếc răng thì mỗi cung hàm sẽ gồm 8 răng, được đánh thứ tự từ 1-8 tính từ răng cửa giữa đến răng khôn.
Vậy cung răng hàm trên bên phải sẽ gồm các răng: R11, R12, R13, R14, R15, R16, R17, R18; cung răng hàm trên bên trái sẽ gồm R21, R22, R23, R24, R25, R26, R27, R28; cung răng hàm dưới bên trái sẽ là R31, R32, R33, R34, R35, R36, R37, R38; cung răng hàm dưới bên phải sẽ là R41, R42, R42, R44, R45, R46, R47, R48.
Trong quá trình mọc và thay răng ở trẻ, có thể răng trẻ sẽ gặp nhiều vấn đề như mọc sớm, mọc muộn, sâu răng, khuynh hướng mọc lệch lạc ở răng, thậm chí mất răng…
Thăm khám răng định kỳ giúp trẻ có hàm răng khỏe đẹp trong tương lai
Do đó, để trẻ có hàm răng chắc khỏe và thẩm mỹ, ba mẹ nên cho trẻ thăm khám định kỳ 6 tháng/ lần tại phòng khám răng gần nhất uy tín ngay từ khi trẻ mọc chiếc răng sữa đầu tiên.
Đọc xong bài viết “Cách đếm răng trẻ em” được viết bởi Nhân Tâm hẳn là các bậc phụ huynh đã hiểu thêm về ký hiệu răng trên phiếu khám của bé con rồi đúng không nào. Nếu cần đặt lịch hẹn thăm khám răng cho cả gia đình, ba mẹ đừng quên liên hệ Nhân Tâm qua số Hotline 1900 56 5678 nhé!