TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Bệnh viêm nướu và các triệu chứng dễ nhận biết

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 5.323
Viêm nướu là tình trạng các mô mềm bao bọc xung quanh ổ xương răng và răng không khỏe, có dấu hiệu sưng đỏ, xuất hiện mảng bám và rất dễ chảy máu ở nướu. Viêm nướu có nguy cơ gây ra các bệnh nha chu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng và thậm chí gây mất răng.

Nướu là phần mô lợi bao bọc xung quanh răng, góp phần giữ cho cấu trúc của răng chắc khỏe. Nướu răng kết hợp với dây chằng răng và xương ổ răng tạo thành một thể nâng đỡ răng thống nhất. Khi nướu bị ảnh hưởng thì các bộ phận còn lại cũng theo đó mà có những triệu chứng suy yếu.

Bệnh viêm nướu là gì?

Viêm nướu là bệnh lý răng miệng thông thường mà ai cũng có thể mắc phải, gây đau nhức, khó chịu và gây nhiều phiền toái cho khách hàng. Trong đó, người trung niên và người lớn tuổi thường có xu hướng mắc viêm nướu nhiều hơn.

Viêm nướu là tình trạng nướu bị viêm nhiễm, sưng tấy ở vùng nướu bao bọc quanh chân răng. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng bệnh sẽ tiến triển thành các bệnh lý răng miệng nguy hiểm như: viêm nha chu, sâu răng, áp xe răng, chết tủy ngược dòng, thậm chí gây mất răng.

Các dấu hiệu của viêm nướu là gì?

Nướu răng sưng đỏ

Nướu răng chắc khỏe là nướu răng có màu hồng nhạt hoặc màu hồng có pha lẫn với màu trắng ở phía dưới chân răng, các “gai nướu” có dạng đỉnh nhọn.

Ngoài công dụng giữ răng chắc khỏe, nướu còn có các mô mềm nhô ra ngoài làm nhiệm vụ giúp thức ăn trôi và khó bám dính được vào bề mặt của nướu.

Khi nướu bị vi khuẩn tấn công, nướu sẽ chuyển dần từ màu hồng nhạt sang màu đỏ và đỏ sậm tùy theo tình trạng viêm nhiễm của nướu

Nhận biết tình trạng nướu bị sưng đỏ

Răng lung lay

Tiêu huỷ mô xương và nướu răng do bệnh nha chu sẽ khiến răng lung lay. Vì các mô bị tổn hại, nên nướu răng không còn ôm sát chân răng, dễ làm răng bị lung lay. Và răng lung lay sẽ làm cho khoảng cách giữa các răng lớn dần, nặng hơn sẽ dẫn đến tình trạng mất răng vĩnh viễn.

Chảy máu lợi

Nếu tình cờ phát hiện có máu trong và sau khi đánh răng hoặc sau khi ăn, bạn cần cảnh giác. Chảy máu nướu răng không rõ nguyên nhân phần lớn đều báo hiệu bệnh ở nướu răng và không nên bỏ qua vì đây có thể là dấu hiệu đầu tiên của những căn bệnh nguy hiểm hơn.

Hơi thở có mùi khó chịu

Những người bị hôi miệng thường tránh những thực phẩm đặc biệt mà họ cho là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi hôi. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này có thể do sự xuất hiện của vôi răng, vi khuẩn và thức ăn đang phân hủy trong miệng gây ra các bệnh về nướu.

Răng nhạy cảm

Nguyên nhân đầu tiên có thể nghĩ tới khi răng bắt đầu bị nhạy cảm là do sâu răng và bạn cần tránh những thực phẩm làm cho tình trạng này trầm trọng hơn.

Nhưng rất có thể răng nhạy cảm là do bệnh nướu răng chứ không phải do sâu răng. Và lúc này răng cần được thăm khám và chăm sóc nhiều hơn, chứ không đơn giản chỉ là tránh dùng một số loại thực phẩm hoặc đồ uống.

Viêm nướu có thể gây hôi miệng

Xem thêm: Bệnh về nướu - Nguyên nhân gây mất răng hàng đầu

Nguyên nhân gây viêm nướu

  • Vệ sinh răng miệng kém: Mảng bám thức ăn tích tụ thành vôi răng là nguyên nhân số 1 gây các bệnh lý về răng miệng, nhất là viêm nướu. Khi các mảng bám thức ăn không được vệ sinh kỹ sẽ tích tụ xung quanh chân răng và nướu, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển gây viêm nhiễm vùng mô xung quanh răng.
  • Mọc răng khôn: Răng khôn là chiếc răng mọc sau cùng khiến vùng nướu bị sưng tấy, gây đau nhức hay răng khôn mọc lệch, ngầm sẽ làm tổn thương vùng nướu xung quanh, gây viêm nướu.
  • Hút thuốc lá, sử dụng bia rượu: Các chất độc hại từ thuốc lá và bia rượu,.. sẽ tạo thành các mảng bám, vi khuẩn gây hại cho vùng mô xung quanh răng.

Nói không với chất kích thích

  • Phụ nữ mang thai, sau sinh hoặc đang trong chu kỳ kinh nguyệt: Khi cơ thể đang có sự thay đổi về hormone, sức đề kháng sẽ yếu hơn bình thường, khiến vi khuẩn dễ tấn công, nhất là trong khoang miệng.
  • Người mắc các bệnh lý về suy giảm hệ miễn dịch như: Ung thư, tiểu đường, HIV,..
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc làm giảm lượng nước bọt tiết ra, gây khô miệng, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
  • Tuổi tác, chế độ dinh dưỡng: Viêm nướu thường xảy ra ở người lớn tuổi, người có chế độ dinh dưỡng kém.

Cách phòng ngừa viêm nướu

  • Vệ sinh răng miệng ít nhất 2 lần/ngày bằng bàn chải đánh răng, loại bỏ mảng bám thức ăn và vi khuẩn bằng các súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng chuyên dụng, khuyến khích sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, không nên sử dụng tăm xỉa răng vì dễ gây tổn thương răng.
  • Chăm khám răng, lấy vôi răng định kỳ từ 4-6 tháng/lần để làm sạch mảng bám. Bác sĩ sẽ kiểm tra và tư vấn kế hoạch điều trị răng miệng phù hợp (nếu có).
  • Không hút thuốc lá hay uống rượu bia.
  • Duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Bạn cần duy trì thói quen chăm sóc răng miệng và chế độ dinh dưỡng hợp lý

Bệnh viêm nướu có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, nhưng thường gặp ở người lớn tuổi. Bạn nên theo dõi các tình trạng trên nếu phát hiện sớm thì mức độ điều trị sẽ dễ hơn rất nhiều, đừng đợi đến khi chuyển qua các giai đoạn nặng hơn rồi mới đến nha khoa thăm khám.