TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Bật mí cách làm sạch lưỡi tại nhà giúp hơi thở thơm mát

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 1.934
Thực tế, không phải ai cũng quan tâm đến cách làm sạch lưỡi mỗi ngày. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu, vi khuẩn tích tụ dẫn đến các bệnh lý về lưỡi cũng như khoang miệng. Để biết cách làm sạch lưỡi đơn giản tại nhà, hãy tham khảo ngay bài viết sau nhé.

Lưỡi là một bộ phận quan trọng, cần được vệ sinh mỗi ngày để giúp hơi thở thơm mát, ngăn ngừa các bệnh lý về răng miệng. Bạn có thể làm sạch lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi hay bàn chải đánh răng, kết hợp sử dụng nước súc miệng để tăng hiệu quả làm sạch.

Lợi ích của việc làm sạch lưỡi

Bên cạnh việc vệ sinh răng, lợi hàng ngày thì làm sạch lưỡi cũng là vấn đề mà bạn cần lưu ý. Bởi lưỡi là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại cùng các mảng bám và các thức ăn thừa, rất dễ dẫn đến các bệnh về lưỡi, bệnh về khoang miệng và khiến hơi thở có mùi hôi khó chịu.

Thói quen vệ sinh lưỡi thường xuyên sẽ đem lại những lợi ích vô cùng tuyệt vời, cụ thể như:

Giảm mảng bám ở lưỡi

Những mảng bám thức ăn rất dễ bám dính ở bề mặt lưỡi. Nếu lưỡi không được làm sạch đúng cách và thường xuyên sẽ khiến mảng bám trắng đục xuất hiện. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh nấm lưỡi và gây ra mùi hôi ở miệng.

Lưỡi được làm sạch sẽ ngăn ngừa được bệnh nấm lưỡi

Giúp hơi thở thơm mát

Thức ăn có mùi thường sẽ bám trên bề mặt lưỡi, trong đó có chứa chất volatile - là chất gây ra mùi hôi ở miệng. Khi làm sạch lưỡi, bạn có thể loại bỏ hợp chất này lên đến 75%.

Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về răng miệng

Vi khuẩn bám dính trên lưỡi chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các bệnh lý về răng miệng. Thói quen làm sạch lưỡi mỗi ngày sẽ giúp loại bỏ đáng kể các vi khuẩn này, từ đó ngăn ngừa hiệu quả các bệnh lý.

Làm sạch lưỡi giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng

Tăng cảm nhận hương vị

Bề mặt lưỡi chứa các hạt vị giác, giúp cho việc ăn uống được ngon miệng hơn. Khi lưỡi bị bao phủ, đóng bợn trắng, các hạt vị giác sẽ khó tiếp xúc với thức ăn, khiến nhiều người ăn uống không cảm thấy ngon. Vì thế mà khi các vi khuẩn và mảng bám trên lưỡi được làm sạch sẽ giúp bạn cảm nhận được rõ hương vị của các món ăn, nhất là những món ăn chứa nhiều đường và axit citric.

Bao lâu nên thực hiện vệ sinh lưỡi?

Việc làm sạch lưỡi cũng tương tự như đánh răng. Bạn nên vệ sinh lưỡi 1 - 2 lần/ngày vào mỗi khi đánh răng. Nếu để quá lâu hay không vệ sinh thường xuyên, lưỡi sẽ bị bợn trắng bởi vi khuẩn và mảng bám tích tụ.

Vệ sinh lưỡi đều đặn 1 - 2 lần/ngày

Điều này gây nên những ảnh hưởng nặng nề về mặt thẩm mỹ, khiến nhiều người mất tự tin khi giao tiếp vì hơi thở có mùi, đồng thời ảnh hưởng đến việc ăn uống vì không cảm nhận được hương vị thơm ngon của món ăn.

Xem thêm: Nước muối sinh lý súc miệng có được không?

Những cách làm sạch lưỡi hiệu quả

Hiện nay có rất nhiều phương pháp làm sạch lưỡi hiệu quả, trong đó phổ biến với 3 cách dùng dụng cụ cạo lưỡi, bàn chải đánh răng và nước súc miệng. Mỗi cách đều có những ưu và nhược điểm riêng biệt.

Làm sạch lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi

Sử dụng dụng cụ cạo lưỡi để vệ sinh lưỡi được đánh giá là cho hiệu quả làm sạch cao nhất. Đây là dụng cụ chuyên dụng cho việc loại bỏ mảng bám, bợn trắng ở trên bề mặt lưỡi. Dụng cụ cạo lưỡi có thể được làm bằng nhựa hoặc kim loại với nhiều kiểu dáng khác nhau, bạn có thể dễ dàng tìm mua ở các hiệu thuốc, cơ sở nha khoa hay trung tâm thương mại.

Dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng

Bạn có thể sử dụng dụng cụ cạo lưỡi từ 1 - 2 lần/ngày sau bước đánh răng theo các bước sau:

  • Bước 1: Đưa lưỡi ra ngoài khoang miệng càng nhiều càng tốt.
  • Bước 2: Đưa dụng cụ cạo lưỡi vào vị trí cuống lưỡi và thực hiện cạo lưỡi theo hướng từ cuống lưỡi về phía đầu lưỡi. Thực hiện liên tục 2 - 5 lần cho đến khi cảm thấy lưỡi sạch sẽ.
  • Bước 3: Rửa sạch dụng cụ bằng nước sạch và bảo quản ở nơi khô ráo.
  • Bước 4: Súc miệng sạch bằng nước sạch để lại bỏ các chất bẩn còn sót lại trong khoang miệng.

Làm sạch lưỡi bằng bàn chải đánh răng

So với dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng, bàn chải đánh răng không đem lại hiệu làm sạch cao bằng, nhưng vẫn đảm bảo làm sạch lưỡi ở mức cơ bản. Hơn nữa, việc dùng bàn chải đánh răng để vệ sinh lưỡi mỗi ngày cũng khá tiện lợi và rất dễ thực hiện. Đây cũng là cách được nhiều người lựa chọn áp dụng.

Làm sạch lưỡi bằng bàn chải đánh răng

Cách thực hiện như sau:

  • Lựa chọn loại bàn chải có lông mềm.
  • Đưa lưỡi ra ngoài khoang miệng càng nhiều càng tốt.
  • Đặt bàn chải đánh răng ở cuống lưỡi và chải nhẹ nhàng dọc theo lưỡi.
  • Súc miệng để loại bỏ bọt kem đánh răng thừa, cặn bẩn trong miệng.
  • Rửa sạch bàn chải và bảo quản ở nơi khô ráo.

Làm sạch lưỡi bằng nước súc miệng

Bạn có thể sử dụng nước súc miệng như một phương pháp hỗ trợ làm sạch lưỡi. Nước súc miệng chứa các thành phần có khả năng loại bỏ vi khuẩn, làm sạch lưỡi, giảm mùi hôi miệng và đem lại hơi thở thơm mát.

Làm sạch lưỡi bằng nước súc miệng

Sau khi đánh răng, vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi hoặc bàn chải đánh răng, bạn hãy dùng nước súc miệng để làm sạch khoang miệng một cách toàn diện. Nên chọn những loại nước súc miệng phù hợp với tình trạng răng miệng cũng như mục đích sử dụng của mình, tốt nhất nên nhận sự tư vấn từ bác sĩ để biết được loại nước súc miệng phù hợp nhất.

Cách làm sạch lưỡi bằng nguyên liệu tự nhiên

Ngoài những cách làm sạch lưỡi được các chuyên gia khuyên dùng trên thì trong dân gian cũng phổ biến một số cách vệ sinh lưỡi bằng các nguyên liệu tự nhiên.

Muối

Muối có tính kháng khuẩn, giúp làm sạch các mảng bám trên lưỡi và loại bỏ các vi khuẩn gây hôi miệng hiệu quả. Bạn chỉ cần hòa một chút muối với nước ấm để tạo thành một hỗn hợp đồng nhất. Súc miệng bằng hỗn hợp này trong khoảng 30 giây rồi nhổ bỏ, sau đó súc miệng lại với nước sạch.

Muối giúp làm sạch các mảng bám trên lưỡi

Mật ong

Mật ong cũng có tính kháng khuẩn tự nhiên, không chỉ giúp làm dịu các vết loét trong miệng mà còn có công dụng làm sạch lưỡi, tạo một lớp màng bảo vệ trên bề mặt lưỡi.

Bạn có thể cho khoảng 1 - 2 thìa mật ong vào ly nước ấm rồi khuấy đều. Sử dụng hỗn hợp này để súc miệng trong vài phút. Cuối cùng nhổ bỏ và súc miệng lại với nước sạch. Hoặc bàn có thể dùng gạc rơ lưỡi thấm vào mật ong, sau đó rơ trực tiếp lên lưỡi rồi súc miệng sạch với nước.

Nước chanh

Nước chanh có tính axit nhẹ, giúp làm sạch mảng bám trên lưỡi và làm hơi thở thơm mát hơn. Bạn chỉ cần pha loãng nước cốt chanh với nước ấm rồi súc miệng. Tuy nhiên cần lưu ý là chanh có axit, nên không quá lạm dụng để tránh gây hại cho men răng.

Chanh giúp làm sạch lưỡi và giúp hơi thở thơm mát

Lá trà xanh

Lá trà xanh chứa rất nhiều chất chống oxy hóa và có tính kháng khuẩn, giúp làm sạch lưỡi và ngăn ngừa vi khuẩn trong khoang miệng sinh sôi phát triển. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn có thể nhai lá trà xanh tươi hoặc hãm lá trà xanh để súc miệng.

Những điều cần lưu ý khi làm sạch lưỡi tại nhà

Khi đã biết những cách làm sạch lưỡi tại nhà, bạn nên lưu ý đến một số điều sau đây để làm tăng hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng không mong muốn.

Vệ sinh, thay dụng cụ cạo lưỡi định kỳ

Dụng cụ cạo lưỡi cũng giống như bàn chải đánh răng, cần thay mới định kỳ khoảng 3 tháng/lần. Bên cạnh đó, bạn nên vệ sinh sạch sẽ mỗi khi sử dụng và bảo quản nơi khô ráp để hạn chế vi khuẩn xâm nhập.

Cần thay dụng cụ cạo lưỡi định kỳ

Làm sạch lưỡi một cách nhẹ nhàng

Khi vệ sinh lưỡi bằng dụng cụ cạo lưỡi, bàn chải đánh răng hay những phương pháp tác động trực tiếp đến lưỡi, bạn nên thực hiện một cách nhẹ nhàng với lực vừa phải. Tránh dùng lực quá mạnh có thể khiến lưỡi bị tổn thương, gây viêm nhiễm.

Nếu thấy lưỡi bị tổn thương, bạn hãy tạm thời ngưng việc vệ sinh lưỡi trong vài ngày, đồng thời tránh ăn uống các thực phẩm có nhiều gia vị. Sau khi lưỡi đã lành, hãy nhớ chải lưỡi nhẹ nhàng bạn nhé.

Làm sạch lưỡi một cách nhẹ nhàng

Tạo thói quen vệ sinh lưỡi

Bạn nên tạo thói quen vệ sinh lưỡi từ khoảng 1 - 2 lần/ngày. Việc vệ sinh lưỡi đều đặn sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ, từ đó phòng ngừa được các bệnh lý răng miệng nguy hiểm.

Không lạm dụng các phương pháp vệ sinh lưỡi tự nhiên

Bạn không nên lạm dụng các phương pháp vệ sinh lưỡi bằng các nguyên liệu tự nhiên. Việc sử dụng quá nhiều hoặc quá thường xuyên có thể gây kích ứng hoặc làm mất cân bằng độ pH trong khoang miệng.

Kết hợp làm sạch lưỡi với việc đánh răng, dùng chỉ nha khoa

Kết hợp với vệ sinh răng miệng hàng ngày

Để đạt hiệu quả chăm sóc răng miệng tốt nhất, bạn nên kết hợp việc làm sạch lưỡi với việc đánh răng, dùng nước súc miệng và dùng chỉ nha khoa hàng ngày. Đừng quên thăm khám và cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/lần tại các địa chỉ nha khoa uy tín.

Hy vọng rằng những thông tin mà Nha khoa Nhân Tâm chia sẻ ở trên đã giúp bạn biết được cách vệ sinh lưỡi và hiểu được tầm quan trọng của việc này. Hãy tạo cho mình thói quen làm sạch lưỡi để có một hàm răng khỏe mạnh và hơi thở thơm mát nhé.