Việc thức dậy với hơi thở có mùi là một vấn đề phổ biến, thường gặp ở rất nhiều người. Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này thường là do vệ sinh răng miệng không kỹ, bị khô miệng hay mắc các bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu…
Cách ngăn hơi thở có mùi hiệu quả đó là vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, cạo lưỡi hàng ngày để loại bỏ vi khuẩn bám trên lưỡi, uống đủ nước, hạn chế các thực phẩm gây mùi, khám răng định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý răng miệng,...
Nguyên nhân khiến hơi thở có mùi vào buổi sáng
Nhiều người nghĩ rằng, hơi thở có mùi vào buổi sáng là do đêm hôm trước không đánh răng kỹ lưỡng. Nhưng thực tế, ngoài việc vệ sinh răng miệng không tốt thì có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
- Vệ sinh răng miệng không kỹ lưỡng: Thức ăn còn sót lại trong miệng chính là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở, gây ra mùi hôi miệng.
- Khô miệng: Nước bọt giúp rửa sạch vi khuẩn gây ra hôi miệng. Khi ngủ, nước bọt tiết ra ít hơn khiến hơi thở nặng mùi vào buổi sáng.
- Bệnh lý răng miệng: Các vấn đề răng miệng như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,... cũng là nguyên nhân gây ra mùi hôi miệng.
- Thói quen sinh hoạt: Thường xuyên uống rượu, hút thuốc lá, hay ăn uống các thực phẩm có mùi như tỏi, hành,... cũng là yếu tố góp phần khiến cho hơi thở có mùi.
- Một số bệnh lý khác: Nếu bạn mắc các bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, viêm xoang, tiểu đường,... rất có thể miệng của bạn sẽ có mùi hôi khó chịu.
Hơi thở có mùi vào buổi sáng có thể do vệ sinh răng miệng không kỹ lưỡng
Xem thêm: Bí quyết trị hôi miệng tận gốc không nên bỏ qua
Cách ngăn hơi thở có mùi vào buổi sáng hiệu quả
Hơi thở có mùi khiến chúng ta mất tự tin trong giao tiếp. Dưới đây là một số cách ngăn hơi thở có mùi vào buổi sáng đơn giản, hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:
Đánh răng đều đặn
Bạn cần đánh răng đều đặn ít nhất 2 lần/ngày, trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Cần chú ý lựa chọn bàn chải lông mềm và kem đánh răng có chứa fluor để nâng cao hiệu quả làm sạch răng. Bạn có thể ưu tiên sử dụng bàn chải điện để làm sạch các bề mặt răng hiệu quả hơn.
Đừng quên dùng chỉ nha khoa mỗi ngày, đặc biệt là sau khi ăn, kết hợp với nước súc miệng sẽ góp phần ngăn ngừa mùi hôi miệng hiệu quả, giúp bạn có hơi thở tươi mát vào sáng hôm sau.
Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng là cách ngăn ngừa hôi miệng hiệu quả
Sử dụng dụng cụ cạo lưỡi
Lưỡi chính là nơi tích tụ nhiều mảnh thức ăn, vi khuẩn và tế bào chết khiến cho hơi thở nặng mùi vào buổi sáng. Do đó, khi vệ sinh răng miệng, bạn cần phải sử dụng thêm dụng cụ cạo lưỡi chuyên dụng hoặc dụng bàn chải đánh răng để loại bỏ những mảng bám trên bề mặt lưỡi.
Vệ sinh lưỡi là việc không thể bỏ qua
Không mở miệng khi ngủ
Nhiều người có thói quen thở bằng miệng khi ngủ. Điều này có thể khiến miệng bị khô và tích tụ nhiều vi khuẩn gây hại. Bên cạnh đó, việc thở bằng miệng còn có thể dẫn đến tình trạng sâu răng, chảy máu nướu răng, mòn men răng, thậm chí là hôi miệng.
Ngoài ra, thở bằng miệng còn gây nên các vấn đề về sức khỏe tổng quát như khô miệng, rối loạn giấc ngủ, hay các vấn đề về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi dị ứng,...
Thói quen mở miệng khi ngủ gây nên nhiều tác hại
Bạn cần thường xuyên tập thở bằng mũi để hình thành thói quen tốt; giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ và đầu; nên ngủ nghiêng về bên trái để làm giảm áp lực lên đường thở. Nếu nguyên nhân thở bằng miệng do bệnh lý, hãy điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một hơi thở thơm mát. Có rất nhiều loại thực phẩm khi ăn vào sẽ tạo ra hợp chất lưu huỳnh và gây mùi khó chịu. Cách ngăn hơi thở có mùi đó là bạn nên hạn chế các thực phẩm có mùi mạnh như tỏi, hành, các loại gia vị cay nóng.
Bên cạnh đó, bạn nên uống đủ nước để tăng cường tiết nước bọt, làm sạch miệng và cuốn trôi các mảnh vụn thức ăn, ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung nhiều rau xanh, trái cây vào chế độ ăn để cung cấp đầy đủ vitamin, khoáng chất và chất xơ, giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, từ đó cải thiện hơi thở.
Hạn chế ăn các loại thực phẩm có mùi hôi
Cẩn thận với cà phê
Uống cà phê vào buổi sáng là thói quen của rất nhiều người Việt Nam. Cà phê cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hơi thở vào buổi sáng. Cà phê có thể gây khô miệng, giảm tiết nước bọt, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, gây ra mùi hôi miệng và một số bệnh răng miệng như sâu răng, viêm nướu…
Cà phê cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến hơi thở vào buổi sáng
Điều trị các bệnh lý liên quan
Hôi miệng có thể do một số bệnh lý cơ thể như: trào ngược axit hoặc trào ngược dạ dày thực quản, chứng ngưng thở khi ngủ,... Khi gặp phải các bệnh lý này, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời nhằm cải thiện sức khỏe tổng thể, đồng thời giảm thiểu tình trạng hôi miệng.
Thăm khám nha khoa định kỳ
Thăm khám nha khoa định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để thực hiện cạo vôi răng, làm sạch mảng bám có mùi, từ đó giúp răng chắc khỏe và hạn chế hơi thở có mùi. Ngoài ra, qua đó bác sĩ cũng có thể phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng.
Thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần là rất cần thiết
Nếu bạn đã thử áp dụng các cách ngăn hơi thở có mùi trên mà vẫn không cải thiện, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời nhé.