TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Thang đo độ trắng của răng - Cách so màu răng

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 7.989
Màu răng thông thường được chia theo nhiều cấp độ và có nhiều thang đo độ trắng của răng khác nhau, phổ biến là thang đo 11 – 15 cấp độ. Với một người có màu răng nằm ở trong khoảng thang đo này trở xuống thì việc cải thiện màu răng lên khoảng 2 bậc là vừa đủ để nhận thấy rõ sự khác biệt.
Mặc dù khi chúng ta nhìn vào thang đo độ trắng của răng thì trông chúng có vẻ khá đơn giản nhưng thực chất để thực hiện và đọc rõ được các chỉ số màu thì không hề dễ một chút nào.

Với bài viết hôm nay, Nha khoa Nhân Tâm sẽ giới thiệu đến Quý khách hàng những thông tin, các chỉ số và cách so màu răng chuẩn theo nha khoa là như thế nào.

Khái niệm thang đo độ trắng của răng trong nha khoa

So sánh màu răng thông qua thang đo độ trắng của răng trong nha khoa là một bước kỹ thuật thường được bác sĩ thực hiện để so sánh màu răng thật của khách hàng với màu răng sau khi đã tẩy trắng răng, hoặc phổ biến nhất là để lựa chọn màu sắc cho răng sứ.

Cách so màu răng

Với mỗi bảng màu của các hãng sản xuất khác nhau sẽ có quy trình so màu khác nhau, dưới đây là cách so sánh màu răng cơ bản nhất với bảng so màu thủ công được thực hiện theo các bước như sau:

Kiểm tra độ sáng

Xếp lại bảng so màu răng theo độ sáng (từ sáng nhất cho đến tối nhất) với cạnh cắn hướng lên trên. Bạn sẽ làm ướt nhẹ cây so màu và răng của khách hàng để loại bỏ sự khác biệt trên bề mặt, hơi nheo mắt và lướt nhanh bảng so màu ngang qua răng cần được so.

Cách kiểm tra độ sáng răng

Tập trung vào ranh giới giữa 1/3 cắn và 1/3 giữa, bác sĩ chỉ quan tâm đến tương quan độ sáng tối. Thông thường ta sẽ chọn được 2 đến 3 cây so màu có vẻ tương đồng với khoảng sáng của răng. Nếu như có máy ảnh kỹ thuật số, ta có thể chụp thêm 2 ảnh giữa các bảng so màu với răng, một ảnh trắng đen và một ảnh có màu.

Ảnh trắng đen thể hiện được thông tin về độ sáng, giúp bạn xác định sự tương đồng về độ sáng, trong khi ảnh màu có thể dùng để đánh giá được tông màu và độ bão hòa của răng.

Tìm tông màu phù hợp

Xếp lại thang đo độ trắng của  răng theo nhóm tông màu và xoay phần cổ răng hướng lên trên. Nếu có nhiều hơn một nhóm tông màu ở độ sáng đã chọn, ta sẽ tiến hành xác định xem tông màu nào sẽ đem lại kết quả giống nhất. Để so được tông màu răng, chúng ta chỉ nên tập trung chủ yếu vào phần nối giữa 1/3 cổ và 1/3 giữa.

Nếu sử dụng bảng so màu VITA Classic, cần phải mài bỏ phần cổ của cây so màu vì vùng đó thường có màu đậm và có thể gây nhiễu tông màu thật của răng, cố gắng loại bỏ các tông màu không giống như trước, chỉ để lại một tông màu nhìn chung có sự tương đồng cao nhất.

Để thuận lợi hơn, ta có thể mua 2 bảng so màu giống nhau, sau đó xếp chúng lại một bảng so màu dựa theo độ sáng với cạnh cắn của cây so màu hướng lên trên. Bảng so màu còn lại vẫn giữ nguyên như cũ theo nhóm tông màu với phần cổ răng hướng lên trên.

Các chỉ số trong bảng so màu răng

Bảng so màu răng được phát triển vào cuối năm 1920, khi lý thuyết màu của Munsell đã được chấp thuận, cùng với xu hướng phát triển của vật liệu sứ trong lĩnh vực phục hình nha khoa.

Từ đó đến nay, có rất nhiều bảng so màu khác nhau đã được các hãng phát triển và giới thiệu trên thị trường. Tuy nhiên, hiện tại trên lâm sàng chúng ta thường chỉ gặp các bảng so màu với các chỉ số như:

VITA Classic

Bảng so màu răng VITA classic

Được ra mắt từ năm 1927, đến nay VITA Classic vẫn còn được VITA Zahnfabrik sản xuất và là bảng so màu răng được sử dụng phổ biến nhất. Đây là một bảng so màu dựa trên tông màu (hue – based), 16 cây so màu của VITA Classic sẽ được chia thành 4 nhóm tông màu chính bao gồm: A (nâu đỏ), B (vàng đỏ), C (xám), D (xám đỏ).

Mỗi nhóm tông màu cơ bản này sẽ lại tiếp tục chia nhỏ thành khoảng 3 đến 5 biến thể khác, cùng tông màu và tăng dần về độ bão hòa (chroma).

Chẳng hạn như nhóm màu A sẽ gồm có A1, A2, A3, A3.5, A4; nhóm B gồm có màu B1, B2, B3, B4. Mỗi cây so màu đều thể hiện được một độ sáng tối nhất định và có thể được xếp lại theo thứ tự từ sáng nhất đến tối nhất.

Chromascop

Chromascop được sản xuất bởi Ivoclar Vivadent và là một bảng so màu dựa trên tông màu. Bảng so màu răng này có khoảng 20 màu thuộc 5 nhóm tông màu bao gồm: nhóm 100 (trắng), nhóm 200 (vàng), nhóm 300 (nâu sáng), nhóm 400 (xám), nhóm 500 (nâu tối).

Mỗi một nhóm tông màu sẽ có 4 biến thể với độ bão hòa tăng dần (ví dụ như nhóm 100 có 110, 120, 130 và 140).

VITA 3D Master

Bảng so màu răng VITA 3D Master

Năm 1998, VITA đã tung ra bảng so màu răng VITA 3D Master, được sắp xếp hệ thống hơn và được thiết kế khắc phục một số thiếu sót của các bảng so màu trước đây.

VITA 3D Master (còn các biến thể như là Vitapan 3D Master Bleach Guide, Linear Guide) là bảng so màu duy nhất dựa trên độ sáng tối (value-based).

Nếu tính cả các màu răng tẩy trắng thì nó gồm có 29 màu, với 6 nhóm theo độ sáng tối từ 0, 1, 2, 3, 4 và 5 (trong đó nhóm 0 là mức độ sáng nhất và nhóm 5 là tối nhất).

Mỗi nhóm này sẽ cách nhau đúng 5DE trong không gian màu (DE là đơn vị dùng để đo khoảng cách trong không gian màu, mắt người bình thường có thể phân biệt được khoảng cách từ 2DE trở lên). Trong mỗi nhóm độ sáng lại bao gồm 3 biến thể tông màu: M (tông màu tiêu chuẩn), L (ánh vàng), R (ánh đỏ).

Mỗi một nhóm tông màu lại tiếp tục chia thành 2 hay 3 biến thể về độ bão hòa (ví dụ như 1M1, 1M2, 1M3).

Với những thông tin cơ bản về thang đo độ trắng của răng và cách so màu răng trong nha khoa mà chúng tôi đã giới thiệu trên đây, hy vọng sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về kỹ thuật so màu mà các bác sĩ nha khoa thường sử dụng để lựa chọn chính xác cho màu răng của mình.