TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Chăm sóc bệnh nhi sau mổ sứt môi, hở vòm

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 2,792
Khe hở môi - vòm là dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt rất thường gặp ở trẻ em với tỷ lệ khá cao. Ước tính hàng năm tại Việt Nam có trên 3.000 trẻ em sinh ra với dị tật khe hở môi, khe hở vòm miệng. Phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật tạo hình phục hồi chức năng giải phẫu và thẩm mỹ, đem lại cho bệnh nhân hình dáng bình thường để hòa nhập với cộng đồng.

Khe hở môi vòm là dị tật bẩm sinh khiến trẻ em gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống

Về nguyên tắc có thể phẫu thuật bất cứ lúc nào ngay cả sau khi mới sanh. Tuy nhiên thực tế việc chọn lựa thời điểm phẫu thuật thích hợp phụ thuộc vào sức khỏe bệnh nhân, khả năng và điều kiện gây mê, sự hợp tác của gia đình trẻ... Phẫu thuật môi thường được thực hiện ở trẻ từ 3 tháng tuổi, cân nặng từ 5 kg trở lên. Phẫu thuật vòm dành cho trẻ 12-18 tháng tuổi, cân nặng từ 10 kg trở lên.

Bác sĩ CKI Nguyễn Minh Hằng, Phó Trưởng Khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) đưa ra một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân dị tật khe hở môi, vòm miệng.

  • Thời kỳ mang thai, khi kết quả siêu âm phát hiện thai nhi có dị tật sứt môi, hở vòm, thai phụ cần được tư vấn kỹ. Trong phạm vi chuyên khoa hàm mặt, nên giữ thai vì đây là dị tật bẩm sinh nhẹ nhất trong số các dị tật bẩm sinh, chỉ cần phẫu thuật tạo hình, trẻ sẽ đạt chức năng và thẩm mỹ để hòa nhập tốt với cộng đồng.
  • Sau khi sinh, cần được hướng dẫn kỹ cách chăm sóc. Không nên quá lo lắng vì một số bé vẫn có thể bú mẹ như bình thường. Trường hợp những bé bị khe hở quá rộng không thể bú mẹ được nên tìm mua bình sữa chuyên dùng cho trẻ sứt môi, hở vòm. Có thể vắt sữa mẹ cho vào bình để bé bú.
  • Trước phẫu thuật một tuần nên tập cho trẻ ngưng bú mẹ và ngưng bú bình. Tập cho trẻ uống bằng muỗng, tạo cho trẻ thói quen để sau phẫu thuật trẻ sẽ dễ thích nghi hơn.
  • Sau phẫu thuật:

Giữ không để trẻ ngã. Theo dõi bệnh nhân, nếu có chảy máu, sốt hay khó thở phải báo ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng biết. Nhiều trẻ sau mổ chưa thích nghi được với đường thở mới, bé còn bị ảnh hưởng thuốc mê nên chưa tỉnh hẳn, do vậy bé sẽ giãy đạp la khóc. Lúc này thuốc tê cũng hết tác dụng nên trẻ dễ bị chảy máu và đau.

Cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để giảm đau nhức, từ đó sẽ ngủ yên, giúp giảm chảy máu vết mổ và trẻ mau hồi phục.

Sau mổ vết thương thường đau cộng thêm trong lúc lành thương vết thương sẽ ngứa, do vậy giữ trẻ thật kỹ không để té ngã, tránh va đập mạnh. Đặc biệt trẻ không cho tay móc vào vết thương hoặc đưa vật cứng, đồ chơi vào miệng.

  • Đối với vết thương môi: giữ cho vết thương càng khô càng tốt. Băng ép giúp vết thương bớt sưng, giảm chảy máu, bớt đau. Song nếu để băng ướt (do bệnh nhân sổ mũi, dính sữa, thức ăn hoặc nước) sẽ làm vết thương dễ nhiễm trùng. Do đó khi băng bị ướt phải báo ngay để rửa vết thương và thay băng mới.
  • Đối với vết thương vòm: tránh ăn thức ăn cứng, ngậm vật sắc nhọn hoặc đồ chơi để không làm tổn thương vết mổ.
  • Tuần lễ đầu sau phẫu thuật cho bé uống sữa bằng muỗng, không bú mẹ hay bú bình, có thể uống thêm sinh tố, nước cháo hoặc súp loãng xay nhuyễn. Đối với trẻ quá nhỏ nên vắt sữa mẹ ra ly và cho uống bằng muỗng.
  • Tuần thứ 2 sau phẫu thuật ngoài những thức ăn của tuần đầu có thể cho trẻ ăn thêm cháo đặc có đầy đủ dưỡng chất như thịt, cá, trứng, rau, củ, quả…
  • Tuần thứ 3, thứ 4 sau phẫu thuật cho trẻ ăn thêm cơm mềm hoặc cơm nghiền nát.
  • Sau phẫu thuật một tháng trẻ có thể ăn uống bình thường như những trẻ cùng lứa tuổi.

Chú ý sau phẫu thuật bé chưa quen với miệng môi đã được tạo hình nên việc ăn, bú, nói phải được tập luyện từ từ. Cùng với việc sau phẫu thuật vết thương sưng, đau nên cha mẹ cần yên tâm vì đó là dấu hiệu bình thường. Tất cả sẽ ổn sau khi bé ăn uống trở lại như bình thường sau một tháng.

Theo VnExpress.net

Ảnh: Operation Smile Vietnam