Vôi răng là một vấn đề phổ biến, hình thành từ mảng bám lâu ngày không được làm sạch. Ở mức độ nhẹ, việc vệ sinh răng miệng đúng cách có thể loại bỏ vôi răng mới hình thành. Với tình trạng trung bình và nặng, cần đến bác sĩ để thực hiện các phương pháp chuyên sâu như cạo vôi răng, điều trị viêm nướu, viêm nha chu.
Bên cạnh đó, bạn cần thực hiện chăm sóc răng miệng đúng cách tại nhà và thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần là giải pháp hiệu quả để phòng ngừa và duy trì sức khỏe răng miệng.
Vôi răng là gì?
Vôi răng, hay còn gọi là cao răng, thường có màu vàng nhạt hoặc nâu đen, là kết quả của quá trình vôi hóa các mảng bám trên răng do các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt. Chúng tích tụ và bám chặt ở cả trên và dưới đường viền nướu.
Mảng bám được hình thành từ vi khuẩn, protein và thức ăn thừa không được làm sạch, theo thời gian trở nên cứng chắc và chuyển thành vôi răng. Đây là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn gây hại phát triển, làm tổn thương men răng, gây sâu răng, viêm nướu và các bệnh lý răng miệng khác. Việc loại bỏ vôi răng không thể thực hiện bằng cách chải răng thông thường mà cần đến các phương pháp vệ sinh răng miệng chuyên nghiệp tại nha khoa.
Các loại vôi răng
Vôi răng có thể được chia thành hai loại chính:
Vôi răng thường
Vôi răng thường có màu trắng đục hoặc vàng nhạt, thường xuất hiện ở cổ răng. Đặc biệt, những người có thói quen hút thuốc lá thường gặp phải vôi răng có màu sẫm hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, vôi răng này có thể gây chảy máu chân răng. Mảng bám sau khi ngấm máu sẽ dần chuyển thành vôi răng huyết thanh.
Vôi răng huyết thanh
Vôi răng huyết thanh có màu đỏ nâu hoặc nâu đen và thường xuất hiện dưới nướu. Loại vôi răng này chứa nhiều vi khuẩn hơn và là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh lý răng miệng như viêm nướu, đồng thời làm quá trình nhiễm khuẩn chân răng diễn ra nhanh chóng.
Các mức độ vôi răng
Vôi răng có thể được chia thành nhiều mức độ, cụ thể như:
Mức độ nhẹ
Vôi răng ở mức độ nhẹ thường là lớp mảng bám mỏng có màu vàng nhạt hoặc trắng đục, bám chủ yếu ở vùng chân răng và kẽ răng. Ở giai đoạn này, vôi răng ít gây ra cảm giác khó chịu. Bạn có thể loại bỏ bằng cách đánh răng kỹ lưỡng mỗi ngày nhưng sẽ không thể làm sạch triệt để. Lâu ngày cũng sẽ tích tụ và phát triển dày đặc, dẫn đến viêm nướu.
Mức độ trung bình
Ở giai đoạn này, lớp vôi răng trở nên dày hơn, có màu vàng đậm hoặc nâu nhạt, bám chặt vào bề mặt răng và lan rộng xuống dưới nướu. Vôi răng ở mức độ này dễ dẫn đến chảy máu nướu, hôi miệng và viêm nướu. Nướu có thể sưng đỏ, nhạy cảm hơn khi chải răng.
Mức độ nặng
Lớp vôi răng rất dày, cứng, có màu nâu đen, thậm chí là màu đen, bao phủ phần lớn bề mặt răng và lan rộng sâu vào dưới nướu. Tình trạng này gây viêm nha chu, tụt nướu, làm lung lay răng, thậm chí có thể dẫn đến mất răng nếu không được điều trị kịp thời.
Cách điều trị vôi răng theo từng mức độ
Điều trị vôi răng cần dựa vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này để áp dụng các phương pháp phù hợp. Nếu ở giai đoạn nhẹ, các biện pháp vệ sinh răng miệng đúng cách có thể giúp loại bỏ mảng bám. Tuy nhiên, khi vôi răng đã cứng chắc và lan rộng, việc can thiệp bằng các phương pháp nha khoa chuyên nghiệp là cần thiết để làm sạch triệt để và ngăn ngừa biến chứng. Dưới đây là các phương pháp điều trị hiệu quả cho từng mức độ vôi răng:
Vôi răng mức độ nhẹ
Ở mức độ này, vôi răng chỉ mới hình thành và chưa gây ra các triệu chứng rõ rệt. Việc điều trị tập trung vào ngăn chặn sự phát triển thêm của mảng bám và bảo vệ sức khỏe răng miệng. Bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để làm sạch mảng bám và ngăn ngừa vôi răng phát triển nặng hơn:
- Đánh răng kỹ lưỡng bằng bàn chải lông mềm kết hợp kem đánh răng chứa fluoride, ít nhất 2 lần mỗi ngày.
- Dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám ở kẽ răng, nơi bàn chải khó tiếp cận.
- Súc miệng hàng ngày với nước súc miệng kháng khuẩn giúp loại bỏ vi khuẩn còn sót lại.
- Thăm khám nha khoa định kỳ để được làm sạch răng chuyên sâu và loại bỏ vôi răng mới hình thành.
Vôi răng mức độ trung bình
Khi vôi răng đã dày hơn và bám chắc vào chân răng hoặc dưới nướu, việc làm sạch tại nhà không còn đủ hiệu quả. Lúc này, bạn cần đến nha khoa uy tín để được xử lý bằng các phương pháp chuyên dụng.
- Cạo vôi răng: Bác sĩ sẽ sử dụng máy siêu âm để loại bỏ lớp vôi răng bám trên bề mặt răng và đường viền nướu.
- Đánh bóng răng: Sau khi cạo vôi, răng sẽ được đánh bóng để làm mịn bề mặt, giảm khả năng mảng bám tái bám.
- Sử dụng nước súc miệng đặc trị: Hỗ trợ làm sạch vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn ngừa viêm nướu và hình thành vôi răng mới.
Việc điều trị này giúp loại bỏ triệt để vôi răng và cải thiện tình trạng sưng, viêm ở nướu, mang lại hơi thở dễ chịu hơn.
Vôi răng mức độ nặng
Đối với những trường hợp vôi răng nặng, đã ăn sâu vào dưới nướu và gây viêm nha chu, cần có sự can thiệp mạnh mẽ hơn từ các bác sĩ chuyên khoa.
- Cạo vôi răng dưới nướu: Đây là kỹ thuật sử dụng máy siêu âm để làm sạch lớp vôi răng cứng chắc nằm sâu trong túi nha chu.
- Điều trị viêm nha chu: Nếu nướu bị viêm nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành các phương pháp làm sạch túi nha chu, ghép mô hoặc hỗ trợ tái tạo nướu.
- Theo dõi thường xuyên: Sau khi điều trị, cần duy trì lịch thăm khám định kỳ để đảm bảo tình trạng răng miệng được kiểm soát tốt.
Điều trị kịp thời giúp ngăn chặn nguy cơ mất răng và cải thiện sức khỏe răng miệng, đồng thời phục hồi nướu về trạng thái khỏe mạnh hơn.
Cách phòng ngừa vôi răng tái phát
Để ngăn ngừa các bệnh lý răng miệng và hạn chế sự tích tụ vôi răng, bạn cần phòng ngừa mảng bám hình thành ngay từ đầu. Dưới đây là một số cách mà bạn có thể thực hiện:
- Đánh răng 2 – 3 lần/ngày với bàn chải lông mềm và kem đánh răng chứa Fluor để để ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và tấn công răng.
- Sử dụng chỉ nha khoa, đặc biệt sau mỗi bữa ăn, để loại bỏ thức ăn thừa bám vào kẽ răng.
- Dùng nước súc miệng kháng khuẩn để tiêu diệt vi khuẩn và giảm mảng bám, nhưng nhớ chọn nước súc miệng không có cồn để tránh gây kích ứng nướu.
- Tuyệt đối không hút thuốc lá, vì các chất trong thuốc lá làm tăng mảng bám và vôi răng so với người không hút.
- Thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/lần để được kiểm tra và làm sạch răng miệng chuyên nghiệp.
- Có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế thực phẩm nhiều đường và tinh bột, vì chúng khi kết hợp với vi khuẩn trong miệng sẽ tạo ra axit có hại cho răng.
Vôi răng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Việc hiểu rõ các mức độ vôi răng và áp dụng phương pháp điều trị phù hợp sẽ giúp bảo vệ răng miệng hiệu quả. Đừng quên duy trì thói quen vệ sinh răng miệng tốt và thăm khám nha sĩ định kỳ để đảm bảo sức khỏe răng miệng luôn trong trạng thái tốt nhất!