TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Viêm gai lưỡi là gì? Cách nhận biết và điều trị hiệu quả

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 2.230
Viêm gai lưỡi là tình trạng viêm nhiễm xảy ra do các nguyên nhân như: căng thẳng kéo dài, cơ thể thiếu hụt vitamin, hút nhiều thuốc lá,... Bệnh khiến lưỡi bị đau rát, khó chịu và trở nên nhạy cảm hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ăn uống và sức khỏe cơ thể. Bài viết sau sẽ giúp bạn nhận biết bệnh viêm gai lưỡi và cách điều trị hiệu quả.

Gai lưỡi hay còn được gọi là nhú lưỡi, là những cấu trúc nhỏ, nhô lên trên bề mặt lưỡi, có hình dạng giống như những cái nấm nhỏ, nằm chủ yếu ở hai bên và đầu lưỡi. Gai lưỡi giúp chúng ta cảm nhận được các hương vị khác nhau của thức ăn, đồng thời bảo vệ lưỡi khỏi các tác động từ bên ngoài như thức ăn nóng, cứng hoặc các chất kích thích khác.

Viêm gai lưỡi là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các gai lưỡi. Bệnh gây ra các triệu chứng như đau rát, sưng tấy, ngứa,... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Nếu gặp phải tình trạng này, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Viêm gai lưỡi là bệnh gì?

Viêm gai lưỡi là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các vị trí có hình giống như nấm trồi lên trên bề mặt lưỡi (thường nằm ở phần đầu hoặc hai bề bề mặt lưỡi). Các gai lưỡi khi bị viêm sẽ sưng đỏ, gây ra cảm giác đau rát, khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng ăn uống, giao tiếp cũng như sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Viêm gai lưỡi là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở gai lưỡi

Cách nhận biết viêm gai lưỡi

Khi bị viêm gai lưỡi, bạn có thể gặp phải một số triệu chứng như:

  • Đau rát lưỡi: Lưỡi có cảm giác nóng rát, khó chịu, nhất là khi ăn uống hay nói chuyện.
  • Sưng tấy: Gai lưỡi bị viêm sẽ bị sưng đỏ, có thể xuất hiện các nốt mụn nhỏ.
  • Ngứa: Bề mặt lưỡi có thể có cảm giác ngứa ran, rất khó chịu.
  • Lưỡi bị đổi màu: Gai lưỡi khi bị viêm có thể khiến bề mặt lưỡi bị đổi màu với các mảng màu trắng, đỏ hoặc thậm chí xuất hiện các vết loét.
  • Mất vị giác: Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bị mất hoặc giảm khả năng cảm nhận hương vị của món ăn.

Để hình dung rõ hơn về tình trạng viêm gai lưỡi, bạn có thể tham khảo một số hình ảnh dưới đây:

Đầu lưỡi bị sưng đỏ

Gai lưỡi bị viêm gây đau rát, khó chịu

Viêm gai lưỡi do nhiều nguyên nhân gây nên

Viêm gai lưỡi sẽ khiến việc ăn uống, nói chuyện gặp nhiều khó khăn

Nguyên nhân gây viêm gai lưỡi

Hiện nay vẫn chưa có kết quả nghiên cứu nào cho thấy nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng viêm gai lưỡi. Tuy nhiên, một số yếu tố được cho là nguy cơ gây viêm gai lưỡi có thể kể đến là:

Mắc các bệnh răng miệng

Việc vệ sinh răng miệng không kỹ lưỡng, vụn thức ăn không được làm sạch sẽ hình thành mảng bám, lâu ngày dẫn đến viêm nướu, ngoài ra nếu khoang miệng nhiễm khuẩn, nhiễm nấm sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công lưỡi, từ đó dẫn đến viêm gai lưỡi.

Chế độ ăn uống không hợp lý

Nếu bạn ăn các thức ăn cay nóng thường xuyên, uống nhiều các loại thức uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê,... sẽ làm lưỡi bị kích ứng. Điều này sẽ khiến các gai lưỡi bị viêm.

Ăn nhiều thực phẩm cay nóng khiến lưỡi bị kích ứng, dẫn đến viêm gai lưỡi

Thiếu hụt vitamin B12 và axit folic

Cơ thể thiếu vitamin B12, axit folic có thể gây ra các vấn đề về miệng, bao gồm viêm gai lưỡi. Lúc này, đầu lưỡi và quanh lưỡi sẽ bị sưng đỏ, gây khó khăn trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.

Thay đổi nội tiết tố

Nội tiết tố bị thay đổi sẽ khiến cơ thể trở nên nhạy cảm và dễ bị kích ứng. Trong giai đoạn này, bạn sẽ rất dễ mắc phải các bệnh lý răng miệng, trong đó có viêm gai lưỡi.

Căng thẳng kéo dài

Căng thẳng, stress kéo dài sẽ khiến người bệnh bị mất ngủ, chán ăn, lâu dần sẽ khiến cơ thể bị suy nhược. Tình trạng này khiến bạn rất dễ mắc bệnh, viêm gai lưỡi cũng không ngoại lệ.

Căng thẳng kéo dài khiến cơ thể bị suy nhược, dễ mắc bệnh

Do chấn thương

Viêm gai lưỡi cũng có thể do bạn vô tình nhai, cắn trúng lưỡi và khiến lưỡi bị tổn thương. Vết thương ở lưỡi có thể tạo môi trường cho vi khuẩn có hại phát triển và tấn công lưỡi, dẫn đến viêm nhiễm.

Do dị ứng

Một số loại thực phẩm có thể gây dị ứng, dẫn đến viêm gai lưỡi. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng, khiến gai lưỡi bị viêm.

Xem thêm: Bật mí các mẹo chữa hóc xương cá tại nhà

Viêm gai lưỡi có nguy hiểm không?

Viêm gai lưỡi có nguy hiểm không là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Thực tế, bệnh này không gây nguy hiểm đến sức khỏe của người bệnh, các triệu chứng thường kéo dài từ 1 - 2 ngày và dần biến mất nếu như người bệnh vệ sinh răng miệng đúng cách, ăn uống và sinh hoạt điều độ hơn.

Mặc dù vậy, bệnh viêm gai lưỡi lại gây đau rát, khó chịu, ảnh hưởng đến việc ăn uống, giao tiếp của người bệnh. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến chứng biếng ăn, khiến cơ thể người bệnh bị suy nhược, từ đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Viêm gây lưỡi gây đau rát, khó chịu cho người bệnh

Chính vì thế, khi bị viêm gai lưỡi, bạn không nên chủ quan mà cần phải theo dõi tình trạng và có chế độ chăm sóc phù hợp để làm giảm các triệu chứng của bệnh, tránh viêm nhiễm lan rộng. Nếu tình trạng không thuyên giảm mà xuất hiện thêm các triệu chứng khác, tốt nhất bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

Khi bệnh tiến triển nặng, không có dấu hiệu thuyên giảm, thì bệnh viêm gai lưỡi có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một số bệnh lý nguy hiểm như: u nhú tế bào có vảy, u xơ, u nang bạch huyết, ung thư miệng, giang mai,...

Cách điều trị viêm gai lưỡi

Để điều trị hiệu quả tình trạng viêm gai lưỡi, bạn cần xác định nguyên nhân gây bệnh. Tùy theo từng nguyên nhân mà sẽ có cách điều trị phù hợp. Dưới đây là một số cách điều trị phổ biến.

Điều trị tại nhà

Với những trường hợp viêm gai lưỡi ở mức độ nhẹ, bạn có thể thử áp dụng các biện pháp đơn giản tại nhà sau.

Súc miệng với nước muối

Súc miệng bằng nước muối là cách điều trị vô cùng đơn giản. Bởi nước muối có tính sát khuẩn, giúp loại bỏ vi khuẩn gây viêm trên bề mặt lưỡi.

Súc miệng bằng nước muối giúp sát khuẩn, loại bỏ viêm nhiễm

Bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc hòa tan 1 thìa muối vào 250ml nước ấm. Ngậm một ngụm nước muối và súc miệng trong vòng 30 giây, sau đó nhổ ra ngoài. Thực hiện đều đặn 2 - 3 lần/ngày để mang lại hiệu quả cao nhất.

Ăn uống khoa học

Như đã đề cập ở trên, các món ăn cay, nóng, cứng,... là nguyên nhân hàng đầu khiến lưỡi bị kích ứng và dễ mắc phải bệnh viêm gai lưỡi. Do đó, bạn cần hạn chế các thực phẩm này và nên ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu, giàu vitamin và khoáng chất.

Uống nhiều nước lọc

Uống nhiều nước lọc cũng là cách giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh viêm gai lưỡi. Khi bạn uống đủ nước, khoang miệng sẽ được làm ẩm, giảm tình trạng khô miệng, nguyên nhân gây viêm gai lưỡi. Bên cạnh đó, uống đủ nước sẽ hỗ trợ quá trình làm sạch, đồng thời hỗ trợ quá trình trao đổi chất diễn ra tốt hơn, từ đó giúp giảm thiểu vi khuẩn gây viêm nhiễm.

Uống nhiều nước lọc giúp giảm triệu chứng của bệnh viêm gai lưỡi

Bổ sung vitamin B12 và axit folic

Vitamin B12 và axit folic rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của các tế bào niêm mạc, bao gồm cả lưỡi. Bạn có thể tìm thấy vitamin B12 trong các sản phẩm như thịt đỏ, thịt gia cầm, hải sản, trứng và các sản phẩm từ sữa. Trong khi đó, axit folic sẽ có nhiều trong các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, rau bina, bông cải xanh, các loại đậu, trái cây họ cam quýt,...

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn

Để giảm các triệu chứng đau rát, khó chịu do viêm gai lưỡi gây ra, bạn có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như Paracetamol hoặc Ibuprofen. Tuy nhiên, bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng hoặc theo hướng dẫn của chuyên gia.

Điều trị bằng thuốc

Khi các biện pháp tại nhà không mang lại kết quả như mong đợi, bạn hãy đến cơ sở chuyên khoa để bác sĩ thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị. Thông thường, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, kháng nấm hoặc kháng virus để loại bỏ viêm nhiễm.

Clotrimazol

Clotrimazol là loại thuốc kháng nấm, thường được áp dụng trong những trường hợp viêm gai lưỡi do nhiễm nấm Candida. Thuốc này có tác dụng tiêu diệt nấm trong khoang miệng, từ đó cải thiện nhanh chóng các triệu chứng của bệnh.

Corticoid

Corticoid là loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn trong những trường hợp bị viêm gai lưỡi. Loại thuốc này giúp làm dịu cơn đau và sưng tấy ở lưỡi do viêm nhiễm gai lưỡi gây ra.

Cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Nystatin

Nystatin là một loại thuốc kháng nấm, được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm nấm, đặc biệt là do nấm Candida gây ra. Nấm Candida là một loại nấm men gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng, trong đó có viêm gai lưỡi.

Lưu ý: Chỉ sử dụng thuốc giảm đau khi đã được thăm khám và chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không được tự ý kê đơn và sử dụng thuốc khi không có chỉ định, giám sát từ bác sĩ.

Cách chăm sóc và ngăn ngừa bệnh viêm gai lưỡi

Để giảm bớt sự khó chịu do viêm gai lưỡi gây ra, đồng thời đẩy nhanh quá trình hồi phục và ngăn ngừa bệnh viêm gai lưỡi tái phát, bạn cần lưu ý đến những điều sau:

  • Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày với bàn chải lông mềm, kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch vụn thức ăn, mảng bám trong kẽ răng.
  • Sử dụng nước súc miệng có chứa thành phần kháng khuẩn nhằm ngăn ngừa vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển.
  • Luôn tích cực, tránh căng thẳng, stress kéo dài. Bạn có thể tập yoga, luyện tập thể dục thể thao để giúp tinh thần thoải mái, sức khỏe dồi dào.

Luyện tập thể dục thể thao giúp tinh thần thoải mái

  • Hạn chế các thực phẩm cay, nóng, đồng thời tránh xa rượu, bia, thuốc lá,... Đây là những yếu tố khiến bệnh viêm gai lưỡi tiến triển nặng hơn.
  • Tăng cường bổ sung rau củ, trái cây, nhất là các thực phẩm giàu vitamin B12 và axit folic vào trong bữa ăn hàng ngày.
  • Uống nhiều hơn 2 lít nước mỗi ngày để duy trì độ ẩm trong khoang miệng.
  • Thăm khám nha khoa định kỳ để vệ sinh răng miệng, cạo vôi răng và phát hiện kịp thời các vấn đề răng miệng nếu có.

Bài viết trên đây vừa chia sẻ đến bạn tình trạng viêm gai lưỡi. Hy vọng bạn có thể nhận biết được bệnh lý và có phương pháp xử lý kịp thời. Bạn nên điều trị càng sớm càng tốt để tránh ảnh hưởng đến ăn uống và sinh hoạt hàng ngày.