TRUNG TÂM CẤY GHÉP IMPLANT HÀNG ĐẦU VIỆT NAM

Quy trình thay răng ở trẻ và các vấn đề quan trọng cần biết

Tác giả: Bs Nhân Tâm Lượt xem: 7,124
Quy trình thay răng ở trẻ em như thế nào? - Răng sữa lung lay và rụng để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn - đối với các bé, đây là giai đoạn rất quan trọng và bố mẹ cần lưu ý và theo dõi trẻ ở thời điểm này để trẻ có hàm răng khỏe mạnh.

Các nhà khoa học đã chứng minh tâm lý ở trẻ vào giai đoạn thay răng rất quan trọng. Trẻ có dấu hiệu chứng minh mình đã lớn, qua việc thay từ răng sữa nhỏ xíu sang răng vĩnh viễn to khỏe hơn.

Vậy ở giai đoạn này chúng ta cần quan tâm những gì hãy cùng Nha khoa Nhân Tâm tìm hiểu nhé.

Quy trình thay răng ở trẻ em như thế nào?

Đa số các bé sẽ bắt đầu thay răng khi được 5 hay 6 tuổi, tuy nhiên quá trình thay răng cũng có thể xuất hiện sớm hơn (khoảng 4 tuổi) hay trễ hơn, khi bé được 8 tuổi.

Các bé gái thường có xu hướng thay răng sớm hơn các bé trai. Chiếc răng sữa cuối cùng thường sẽ rụng khi bé được 12 hay 13 tuổi.

Thứ tự thay răng sữa phổ biến đối với hàm trên là: răng cửa giữa, răng cửa bên rồi đến răng tiền cối, răng nanh, răng cối sữa 1, răng cối sữa 2; đối với hàm dưới: răng cửa giữa, răng cửa bên, răng nanh, răng cối sữa 1, răng cối sữa 2.

Thời gian từ lúc thay răng sữa có dấu hiệu lung lay cho đến lúc tự rụng thay đổi tùy theo đặc điểm của từng loại răng và vị trí của răng.

- Ví dụ: Răng một chân thì thời gian thay răng diễn ra ngắn (như vài tuần) nhưng răng nhiều chân như răng cối thì thời gian thay răng có thể kéo dài từ 1 - 2 tháng, răng mọc thoải mái thì thời gian thay răng sẽ ngắn hơn răng bị kẹt trong khe hay bị chèn ép bởi các răng khác.

Ngoài ra, bé nhút nhát hay hiếu động, có thường dùng tay hay môi lưỡi để tác động vào chiếc răng đang lung lay hay không... cũng góp phần ảnh hưởng đến thời gian thay răng.

Các trường hợp xử lý răng lung lay?

Răng sữa sau một thời gian lung lay thường sẽ tự rụng, những tai nạn nho nhỏ như răng rụng khi đang nhai thức ăn hay thậm chí nuốt răng thỉnh thoảng vẫn xảy ra và hầu hết các trường hợp đều không để lại hậu quả quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều trường hợp những cái răng "cứng đầu", lung lay mãi mà nhất định không chịu rụng, xử lý thế nào đây?

Trước tiên, phải lưu ý là mẹ tuyệt đối không nên dùng chỉ để nhổ răng cho bé: Có không ít bà mẹ, ông bố áp dụng phương pháp nhổ răng bằng cách cột răng vào sợi chỉ, một đầu chỉ còn lại đem cột vào góc giường hay cột nhà rồi chạy vòng quanh để "nhổ răng".

Việc làm này sẽ dễ gây chảy máu nướu răng và tạo nên một vết thương hở ở nướu răng, thêm vào đó, việc đưa tay vào miệng bé sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn từ tay bé hay mẹ sẽ dễ xâm nhập vào vết thương này, khả năng gây ra tình trạng nhiễm trùng rất cao, đặc biệt là nhiễm khuẩn uốn ván rất cao.

Ngoài ra, nếu bé có một số bệnh về máu như bệnh máu không đông... thì mức độ nghiêm trọng sẽ cao hơn rất nhiều

Bạn nên cho bé đến khám tại phòng khám răng hàm mặt ngay khi răng bắt đầu có dấu hiệu lung lay. Bé sẽ được các bác sỹ chọn lựa cách xử trí thích hợp, hoặc nhổ ngay hoặc tiếp tục chờ đợi.

Đặc biệt, nếu răng vĩnh viễn đang chồi lên có vị trí bị kẹt thì đôi khi các chuyên gia sẽ cho chỉ định nhổ hoặc mài bớt cạnh của răng sữa lân cận để răng vĩnh viẽn dễ dàng mọc lên đúng vị trí.

Kiến thức khi bé thay răng trễ ?

Nếu việc thay răng sữa diễn ra trong quá trễ sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của bé.

Đôi khi răng vĩnh viễn sẽ lách ra hướng khác mọc lên và kết quả là sẽ mọc theo hướng lệch đi, làm xấu về mặt thẩm mỹ cũng như không phát huy được tác dụng ăn nhai của răng.

Nếu một răng sữa nào đó đã quá tuổi thay mà vẫn chưa có dấu hiệu lung lay, hoặc răng sữa nhổ đã lâu mà không thấy răng vĩnh viễn thay thế mọc lên thì mẹ nên cho bé đến gặp nha sĩ.

Thông thường, chỉ cần quan sát biểu hiện của vùng nướu, các bác sĩ sẽ dễ dàng kết luận là răng vĩnh viễn đang mọc hoặc sẽ mọc. Đôi khi, các bác sỹ có thể yêu cầu chụp X quang để sớm xác định có hay không sự hiện diện của mầm răng vĩnh viễn trong xương hàm của bé.

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe răng miệng của trẻ. Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ nên bắt đầu ngay từ khi trẻ mọc chiếc răng sữa đầu tiên. Bởi vậy theo dõi quá trình mọc răng, thay răng của bé sẽ giúp các ông bố, bà mẹ càng dễ dàng và thuận tiện hơn trong việc chăm sóc răng miệng cho các bé.